Đài truyền hình Syria ngày 16/2 cho biết chiến dịch tấn công vào thành trì phiến quân cuối cùng ở vùng Tây Bắc đất nước đã đạt được những bước tiến lớn. Tuy vậy, chiến dịch đã khiến hàng trăm ngàn thường dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Theo Đài truyền hình Syria, lực lượng chính phủ được phía Nga hậu thuẫn “đã giải phóng toàn bộ các làng mạc và thị trấn nhỏ ở phía Tây thành phố Aleppo”.
Từ tháng 12/2019, được sự yểm trợ của không quân Nga qua các đợt không kích, quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tấn công dồn dập lên khu vực tỉnh Idlib và những vùng lân cận thuộc tỉnh Aleppo và Latakia.
Chiến dịch quân sự này đã làm gián đoạn mối quan hệ hợp tác mong manh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, vốn ủng hộ cho hai bên đối lập trong cuộc xung đột. Mặc dù vậy hai nước vẫn có những nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 9 năm ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ, bên ủng hộ cho một số nhóm phiến quân ở Tây Bắc Syria, đã phản ứng giận dữ sau khi các cuộc tấn công của Damascus ở Idlib làm 13 binh sĩ Thổ thiệt mạng trong vòng 2 tuần qua. Ankara đã kêu gọi Syria ngừng tấn công và cảnh báo sẽ dùng vũ lực quân sự để đẩy lùi lực lượng Syria nếu họ không rút quân vào cuối tháng 2 này.
Trong khi đó, theo đài Al Jazzeera (Qatar) những bước tiến quan trọng mới nhất mà lực lượng của Tổng thống Assad giành được là đẩy lùi phiến quân khỏi đường cao tốc then chốt M5 nối Aleppo với thủ đô Damascus, và lần đầu tiên mở lại tuyến đường nhanh nhất nối hai thành phố lớn nhất Syria này sau nhiều năm.
Sau khi kiểm soát cao tốc M5, quân đội Syria tiếp tục có bước tiến bất ngờ khi chiếm được Atarib, một thành phố nằm trên tuyến đường dẫn tới Bab al-Hawa, cửa khẩu chính trên biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng mở chiến dịch ở Idlib nhằm giành lại những khu vực đã mất. Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/2 cho biết, khoảng 100 xe quân sự chở binh sĩ, xe tăng và các thiết bị quân sự, đã được Ankara triển khai tới Idlib để hỗ trợ lực lượng nổi dậy tại khu vực này.
Cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hàng ngàn binh sĩ và hàng trăm xe quân sự tăng cường cho các tiền đồn quan sát của họ ở Idlib, vốn đã được thiết lập theo thỏa thuận giảm căng thẳng ký năm 2018 với Nga. Theo thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ được duy trì 12 đồn quan sát ở Idlib, nhưng một số trong đó hiện đã thuộc vùng lãnh thổ do quân đội Chính phủ Syria kiểm soát sau khi đẩy lùi phiến quân.
Tờ Al-Jazeera cho biết, chỉ từ tháng 2 đến nay, trên 2.500 xe quân sự và 6.500 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tới khu vực Idlib và nguy cơ đối đầu giữa các lực lượng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đang dâng cao.
Người dân khu vực Idlib lại một lần nữa rồng rắn rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Ảnh: AP
Trong khi lực lượng Chính phủ Syria tiếp tục tấn công ở vùng Tây Bắc, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 16/2 cho biết ông và người đồng cấp Nga đã nhất trí rằng các cuộc tấn công tại Idlib phải dừng lại lập tức và các bên cần đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Phát biểu với các phóng viên bên lề Hội nghị An ninh Munich, ông Cavusoglu cho hay quan chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận vấn đề Syria tại Mosksva trong ngày 17/2.
Trước đó, hôm 13/2, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tuyên bố: "Chúng tôi đang cử lực lượng bổ sung tới để đảm bảo và duy trì ngừng bắn ở Idlib. Chúng tôi sẽ kiểm soát khu vực".
Tuyên bố của ông Akar cho thấy những chiến lược mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể theo đuổi. Trước hết, Ankara có thể tìm cách thay đổi thỏa thuận Sochi năm 2018. Với 12 tiền đồn đã bị vây quanh bởi quân đội Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách vẽ lại đường ranh giới ngừng bắn mới với Nga trong khi buộc lực lượng chính phủ Syria rút lui. Thứ hai, tuyên bố của ông Akar có thể được coi như dấu hiệu Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trực tiếp với lực lượng chính phủ Syria và sẽ tìm cách kiểm soát lãnh thổ thay vì chỉ nắm giữa một số địa điểm quan sát nhất định. Điều này đòi hỏi phải đưa thêm bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực.
Theo Liên hợp quốc, xung đột quân sự tại Idlib đang gây ra một trong những làn sóng tị nạn lớn nhất trong cuộc chiến tranh tàn phá ở Syria, khi hơn 800.000 người đang bỏ chạy hướng về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 12/2019.
Các nhân viên cứu trợ đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực biên giới vốn đã quá tải người tị nạn. Khoảng 1 triệu người Syria đang sống gần biên giới, các lều trại và cơ sở vật chất khác đều đã quá tải. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang cho 3,6 triệu người Syria ẩn náu, tuyên bố họ không thể tiếp nhận người tị nạn thêm nữa.