Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, việc hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước và chuyển giao hệ thống S-500 cho Lực lượng vũ trang Nga được lên kế hoạch diễn ra vào năm 2021.
Trong cùng năm, giới chức Nga dự kiến sẽ ký kết hợp đồng mua sắm hệ thống phòng không S-500 và hệ thống này sẽ được trang bị hàng loạt cho quân đội Nga vào năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, giai đoạn thử nghiệm sơ bộ đối với hệ thống trên hiện đang được thực hiện, trong đó, phần thử nghiệm vật tư thiết bị diễn ra trên bãi thử.
Việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không đánh chặn tầm xa S-500 cho các lực lượng vũ trang Nga trong vài năm qua đã vài lần bị trì hoãn.
S-500 hay Prometheus S-500 là hệ thống tên lửa phòng không đất đối không thế hệ mới. Là sản phẩm của Tập đoàn Almaz-Antey, tổ hợp này được quảng cáo có thể triệt hạ các máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình siêu thanh đồng thời cũng có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo và tiêu diệt các mục tiêu trong không gian gần.
Về mặt thông số kỹ thuật, giới chức Nga khẳng định, hệ thống S-500 có bán kính hủy diệt 600 km.
Hệ thống này còn có khả năng phát hiện và tấn công đồng thời tới 10 mục tiêu đạn đạo siêu thanh có tốc độ bay lên tới 7 km/s, tức gấp 20 lần vận tốc âm thanh.
Giới chức Nga khẳng định, với những đặc tính ưu việt như vậy, hệ thống S-500 sẽ vượt trội hơn đáng kể so với hệ thống S-400 hiện đang phục vụ trong lực lượng phòng không Nga và cả hệ thống phòng thủ tên lửa đối thủ Patriot 3 của Mỹ.
Đầu tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko thông báo việc thử nghiệm tên lửa hiện đại nhất S-500 Prometei đã được tiến hành tại Nga hồi năm ngoái.
Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov của Nga cho rằng, hệ thống S-500 sẽ có thể đánh chặn các mục tiêu cách Trái Đất hàng trăm km.
“Đây là hệ thống giải quyết toàn bộ các nhiệm vụ của cả phòng không và phòng thủ tên lửa”, ông Leonkov khẳng định.
Theo ông Leonkov, không có nước nào khác trên thế giới có loại vũ khí như hệ thống phòng không S-500 của Nga.
“Không có nước nào có loại vũ khí tương tự. Ngay cả những đối thủ cạnh tranh gần nhất của chúng ta là người Mỹ cũng cần đền 2 tổ hợp riêng biệt là hệ thống Patriot hoạt động ở một số độ cao nhất định và tổ hợp phòng thủ tên lửa THAAD chỉ đối phó với các mục tiêu đạn đạo.
Chúng ta có được một hệ thống phổ quát có thể chống lại các mục tiêu trên không ở tầm xa và các mục tiêu tầm cao ở độ cao lớn”, ông Leonkov nói.