Bộ Quốc phòng Nga nói rằng lực lượng vũ trang của nước này đã tiếp nhận hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2DT đầu tiên của họ, một loại vũ khí có khả năng hoạt động được dưới nhiệt độ và địa hình cực đoan của vùng Bắc Cực.
Được ra mắt vào tháng 5/2017 trong lễ duyệt binh chiến thắng tại Moscow, thiết bị này là phiên bản nâng cấp của Tor M2, có màu trắng và xám để ngụy trang và được cho là có tầm bắn 15 km (9 dặm).
Con đường Nga tại Bắc Cực
Mặt trước của khung gầm vận chuyển DT-30PM mang theo vũ khí này cũng được trang trí bằng hình một con gấu, một biểu tượng lâu đời của Nga và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của họ. Hôm thứ tư tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi một thông điệp tới Diễn đàn Bắc cực Moscow nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực chiến lược này.
"Bắc Cực đóng một vai trò chiến lược đối với nước Nga. Hiện nay, chúng tôi đang củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực, thực hiện các sáng kiến nghiên cứu khoa học và các chương trình lớn để phát triển kinh tế và thương mại, và biến các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của chúng tôi thành hiện thực". "Chúng tôi cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường và sự đa dạng tự nhiên của vùng cực và các khu vực gần cực."
Khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu kéo theo các hiện tượng thiên tai trên toàn cầu, các kiểu thời tiết mới cũng mở ra những cơ hội mới ở vùng cực bắc của hành tinh.
Nhiệt độ tăng đã giúp mở ra các tuyến thương mại và các vị thế chiến lược mới cho các quốc gia nằm dọc theo và gần Vòng Bắc cực. Sự phát triển này đã đẩy khu vực tiến sâu hơn vào vòng cạnh tranh quốc tế về các nguồn lợi sinh tồn ẩn bên dưới lớp băng ngày càng mỏng.
Nga và Trung Quốc là những bên dấy lên sự quan ngại đặc biệt đối với Hoa Kỳ khi Washington cho rằng hai cường quốc này đang tìm cách mở rộng hợp tác kinh tế và quân sự song phương của riêng họ. Moscow đã ra mắt tàu phá băng hạt nhân đầu tiên trên thế giới vào tháng 9/2017, và Trung Quốc đã đưa ra Sách Trắng vào tháng Giêng để định hình lại chính sách Bắc Cực.
Tương tự như vậy, Moscow cũng củng cố vị thế quân sự mới ở cực bắc của họ, trong khi Trung Quốc đang tìm kiếm những cơ hội mới cho siêu dự án "Con đường tơ lụa vùng cực"- một yếu tố bổ sung cho sáng kiến Nhất đới, nhất lộ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỹ không ngồi yên
Về phần mình, Hoa Kỳ đã bắt đầu thực hiện các biện pháp riêng của mình để tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết trong một chuyến thăm vào tháng 6 tới Căn cứ Không quân Eielson ở Alaska rằng, "chắc chắn nước Mỹ sẽ theo đuổi thế trận tại Bắc Cực" và Đô đốc Karl Schultz của lực lượng Cảnh sát biển Hoa Kỳ nói với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS vào tháng Tám rằng Hoa Kỳ đã "bắt tay vào việc viết lại" chiến lược Bắc Cực.
Trong khi có nhiều thông tin nói về các hoạt động quân sự của Mỹ đang tăng cao trong nhiều tháng gần đây tại một thị trấn đánh cá của Alaska, thì tờ Washington Post đưa tin ngày 21/11 về sự quan tâm gần đây của Lầu Năm Góc vào khu vực này.
Tờ báo này dẫn lời của phát ngôn viên lực lượng Cảnh sát biển Mỹ Linda L. Fagan nói: "Một cách rõ ràng, chúng tôi đang theo dõi cả người Nga và người Trung Quốc khá chặt chẽ", lưu ý rằng trước đây Washington đã "đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng thương mại và cơ sở hạ tầng quân sự".
Đầu tháng này, Phi đội an ninh Không quân 354 của Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc tập trận tại Căn cứ Không quân Eielson. Cuộc diễn tập này đã được tiến hành để "chuẩn bị cho lực lượng không quân trong việc phòng thủ chống lại các mối đe dọa, cả từ bên trong và bên ngoài ", theo một thông cáo báo chí.
Hoa Kỳ cũng đã di chuyển tới các khu vực vùng cực châu Âu, tìm kiếm mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Na Uy, một thành viên sáng lập của liên minh quân sự phương Tây NATO. Oslo đã yêu cầu Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện của Thủy quân lục chiến Mỹ –đang có căn cứ gần biên giới của nước này với Nga, một động thái đã bị Moscow lên án.
Trước cuộc tập trận Trident Juncture kéo dài một tháng-cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong nhiều thập kỷ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích những lời kêu gọi gia tăng số lượng binh lính Mỹ tại Na Uy và nói rằng, những động thái quân sự của phương Tây là một sự "vi phạm những truyền thống đã được kiểm nghiệm về quan hệ láng giềng tốt đẹp, đồng thời chính sách này của chính phủ Na Uy đã thiết lập con đường trở lại thời kỳ tự kiềm chế trong Chiến tranh Lạnh".
"Tất cả những hành động mang tính chuẩn bị này của NATO là không thể bỏ qua, và Liên bang Nga sẽ áp dụng các biện pháp chuẩn bị cần thiết để đảm bảo an ninh của riêng mình", bà nói thêm.