Quân đội Nga hộ tống 19 xe buýt chở người tị nạn trở về Nagorno-Karabakh

Thanh Bình |

Theo Izvestia, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã hộ tống 19 xe buýt chở người tị nạn trở về Nagorno-Karabakh qua hành lang Lachin.

Vào thứ Bảy (14/11), quân đội Nga cũng đã hộ tống 9 xe buýt. Thông tin trên được công bố vào Chủ nhật (15/11) tại Trung tâm Kiểm soát quốc phòng quốc gia Nga (NDMC).

Theo đó, quân đội Nga lưu ý rằng việc đưa người tị nạn trở lại là một trong những nhiệm vụ của trung tâm ứng phó nhân đạo của Nga đang được thành lập ở Nagorno-Karabakh. Nhóm tiền phương của trung tâm dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Volkov bắt đầu làm việc tại Karabakh vào ngày 14/11.

“Trong ngày 14/11, 9 xe buýt (250 người) được hộ tống qua hành lang Lachin và vào ngày 15/11, 19 xe buýt (475 người) đã được hộ tống thành công”, thông báo cho biết.

“Việc hình thành trung tâm ứng phó nhân đạo liên vùng ở Stepanakert sẽ được hoàn tất vào ngày 20/11, kể từ ngày đó trung tâm sẽ bắt đầu hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ về ứng phó nhân đạo được giao”, thông báo cho biết thêm.

Trước đó, vào ngày 13/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chủ trì cuộc họp về trợ giúp nhân đạo cho Nagorno-Karabakh với lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tình trạng khẩn cấp và Cơ quan An ninh liên bang Nga.

Ông Putin cho biết, số người thiệt mạng, bao gồm cả dân thường do hậu quả giao tranh ở Nagorno-Karabakh đã vượt quá 4.000, số bị thương là hơn 8.000 người. Số lượng người tị nạn theo các số liệu khác nhau lên tới hàng chục nghìn; có “nhiều công trình văn hóa” và cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy.

Tổng thống Putin khẳng định, để giúp đỡ cho người dân ở khu vực này giải quyết những vấn để thiết thực nhất, cần thành lập một trung tâm liên ngành ứng phó nhân đạo.

Cụ thể, trung tâm sẽ tham gia hỗ trợ hoạt động trong quá trình đưa người tị nạn trở về nơi thường trú; tương tác với các cơ quan nhà nước của Azerbaijan và Armenia để khôi phục cơ sở hạ tầng dân sự và tạo điều kiện cho cuộc sống bình thường ở Nagorno-Karabakh.

Qua đó nhà lãnh đạo Nga đã ký sắc lệnh thành lập trung tâm này, đồng thời chỉ thị thiết lập công việc mang tính xây dựng về tình hình ở Nagorno-Karabakh với Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn, với UNESCO và với các nước SNG.

Vào ngày 9/11, ông Putin, cũng như Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã ký một thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh từ ngày 10/11.

Thỏa thuận cũng quy định về việc giới thiệu lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vào khu vực, trao đổi tù nhân giữa các bên tham gia xung đột, và việc Armenia chuyển giao một số vùng trong khu vực cho Azerbaijan cũng đưa người tị nạn trở lại Karabakh.

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại Cộng hòa Nagorno-Karabakh bùng phát vào ngày 27/9, sau khi Armenia cáo buộc Azerbaijan đã thực hiện một cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh nhằm vào vùng Nagorno-Karabakh, nhưng Azerbaijan khẳng định họ chỉ hành động để đáp trả các cuộc pháo kích từ phía Armenia.

Baku và Yerevan hai lần đồng ý đình chiến, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại