Kỳ 1: Quân đội Nga sa "hỏa ngục" Grozny trong cuộc chiến Chechnya thế nào?
---
Kỳ 2: Quân đội Nga đại phá phiến quân Chechnya ở "hỏa ngục" Grozny
Theo truyền thông phương Tây, chiến dịch tấn công Grozny kéo dài liên tiếp 3 tháng, nhưng trên thực tế chiến dịch bị chia ra thành nhiều giai đoạn, khoảng lặng là những khoảng ngừng bắn do các cuộc đàm phán và tổ chức lại đội hình chiến đấu.
Giai đoạn tấn công thứ nhất kết thúc vào ngày 18.01.1995 khi quân đội Nga đánh chiếm được lâu đài tổng thống Chechnya. Giai đoạn 2 bắt đầu khi các đơn vị quân đội Nga giành được khu vực phía bắc và trung tâm thành phố.
Chỉ sau khi đã củng cố vững chắc các khu vực giải phóng được, quân đội Nga mới tổ chức tấn công sang khu vực phía nam thành phố.
Trong đợt tấn công thứ 2 này, rút kinh nghiệm đợt tấn công lần thứ nhất, các đợt tấn công tiến hành dưới hỏa lực dữ dội của pháo binh tên lửa và không quân chiến trường, có những ngày tiến công, lực lượng pháo binh Nga dội đến 30.000 quả đạn pháo và pháo phản lực Grad xuống chiến tuyến của chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Thực tế, phương pháp sử dụng pháo binh, tên lửa đè bẹp mọi sự kháng cự như vậy, các tướng lĩnh chỉ huy phải thực hiện ngay từ đầu chiến dịch.
Trong quá trình tấn công vào thành phố, với hình thức vây lấn tiến công, mở rộng vùng kiểm soát, quân đội Nga bắt đầu áp dụng chiến thuật tác chiến tăng thiết giáp chống chiến tranh du kích. Đồng thời thay thế hình thức phòng ngự tiêu hao sinh lực địch thành tấn công tiêu diệt sinh lực địch.
Mặc dù các đơn vị tăng thiết giáp đã có kinh nghiệm chiến đấu trên địa hình đường phố, khi tăng thiết giáp phải cơ động theo một hướng nhất định, nhưng vẫn có nhiều xe tăng bị bắn hỏng, bắn cháy.
Để giảm thiểu thương vong và tăng cường sức mạnh chế áp hỏa lực đối phương, các đơn vị bộ binh cơ giới tổ chức đội hỗn hợp đột kích gồm có 2 xe tăng, 2 xe ZSU -23-4 Shilka hoặc xe BMP-2 như phương tiện hỏa khí yểm trợ, một phân đội bộ binh tấn công đi cùng.
Đội đột kích hỗn hợp này được che chắn bằng hỏa lực pháo binh mạnh. Trong nhiều trường hợp, để chế áp hoàn toàn các tòa nhà - chốt phòng ngự của phiến quân, pháo binh tên lửa đánh sập luôn cả tòa nhà, chôn vùi mọi sự kháng cự trong đống đổ nát.
Đội đột kích chủ lực này chỉ được sử dụng trong cuộc tấn công vào Grozny lần thứ nhất, trong các trận chiến sau này, đơn vị đột kích chủ lực này không được sử dụng do khả năng giáp bảo vệ, khả năng cơ động của các xe tăng thiết giáp khác nhau, do đó nếu một xe BMP hoặc Shilky bị hủy diệt, đội tấn công chủ lực không thể phát huy hiệu quả tác chiến.
Phương thức tấn công chủ lực của tăng thiết giáp trong chiến tranh đường phố hiệu quả nhất vẫn là đội tấn công chủ lực bao gồm xe tăng và phân đội bộ binh, được trang bị các súng phóng lựu cá nhân nhưng có sức công phá trong không gian hẹp lớn như súng phóng lựu nhiệt áp cá nhân RPO Ruws "Mèo rừng” và các loại súng phóng lựu chống tăng khác, bao gồm cả RPG-7.
Thực hiện nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho các tiểu tổ bộ binh tấn công, các đơn vị bộ binh cơ giới sử dụng hai chiến thuật cơ bản.
Phương thức tác chiến thứ nhất là một xe tăng liên tục pháo kích đánh vào các hỏa điểm đối phương và các vị trí có nguy cơ tiềm năng, xe thứ 2 thực hiện nhiệm vụ quan sát chiến trường và dập tắt mọi cuộc tập kích tấn công xe tăng thứ nhất.
Các xe hỏa lực đi cùng như ZSU–23-4 và BMP-2 nấp sau các xe tăng, sử dụng hỏa lực mạnh bắn chế áp tất cả các nóc nhà cao tầng trong tầm nhìn.
Một đội hỏa lực như vậy có thể trong một ngày tiến hành 2 – 4 lần tấn công tùy thuộc mật độ hỏa lực khác nhau của đối phương. Nguyên tắc tác chiến đường phố là tiến công chậm, truy quét kỹ khu vực, liên kết phối hợp chặt chẽ thông tin liên lạc giữa các đội tấn công chủ lực, thoát ly nhanh chóng.
Một đặc điểm đáng chú ý, chiến tranh đường phố là trận chiến đan xen giữa ta và địch, phương thức tấn công du kích của lực lượng thánh chiến khiến các xe thường bị các tổ diệt tăng của phiến quân phục kích khi quay trở về tuyến sau bổ sung vũ khí đạn dược
Trên chiến trường Grozny thời điểm đó bản đồ địa hình thành phố thiếu hụt nghiêm trọng khiến kíp xe rất lúng túng và khó khăn khi cơ động tiến công hay thoát ly chiến trường. Hơn nữa các kíp xe đều muốn sử dụng đường thoát ly là đường khác đường phố triển khai tấn công.
Ngày 10.01.1995. trong đội hình tấn công của quân đội Nga, trên quảng trường Lênin, xe tăng T-72B (số hiệu 430) được giao nhiệp vụ phong tỏa ngã tư đường 1 tháng 5. Khi tiến vào tuyến tấn công hỏa lực, xe số 430 bị tấn công bằng loạt đạn chống tăng RPG.
Quả đạn đánh trúng vào sườn xe, do không có lá chắn và các khí tài ngăn chặn tên lửa chống tăng, đạn RPG xuyên thủng thân xe khu vực thùng dầu và đạn dược. Đòn tấn công kích hoạt đạn thân xe. vụ nổ kinh hoàng đánh bay tháp pháo, kíp xe hy sinh hoàn toàn và xe không thể phục hồi được
Phương án sử dụng xe tăng thứ hai được áp dụng ở Grozny là xa luân chiến theo đúng nghĩa của nó, có nghĩa là các cặp xe tăng liên tục bắn phá mục tiêu tấn công bằng pháo tăng, quá trình thay đổi cặp xe là các xe hết cơ số đạn lùi về phía sau bổ sung đạn dược và nhiên liệu.
Một trong những ví dụ về chiến thuật “xa luân chiến” là một đơn vị xe tăng yểm trợ hỏa lực cho lữ đoàn đổ bộ đường không 876, có nhiệm vụ tấn công tòa nhà Hội đồng bộ trưởng nước Cộng hòa Chechnya.
Các xe tăng T-72B từ cụm tăng thiết giáp của lữ đoàn Bộ binh cơ giới cận vệ số 74 liên tục bắn phá các hỏa điểm và phong tỏa tòa nhà, cắt đứt đường tiếp vận của phiến quân qua cây cầu trên sông Sunzha. Tuyến chiến đấu cũng cho phép các pháo tăng có thể tấn công khách sạn Caucasus và phủ tổng thống Chechnya.
Trong trận chiến các xe tăng của phân đội đều bị trúng một vài lần đạn phóng lựu chống tăng RPG-7, một xe bị cháy, nhưng các xe còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu.
Sau khi sử dụng hết cơ số đạn, cặp xe T-72B còn nguyên vẹn và kíp xe bị cháy rút lui về phía sau, một cặp xe T-72B1 của tiều đoàn xe tăng thuộc trung đoàn bộ binh cơ giới 276 tiến lên chiếm lĩnh trận địa, tiếp tục pháo kích cho đến khi bộ binh kiểm soát hoàn toàn mục tiêu.
Trong cuộc chiến đường phố, các phân đội xe tăng hoạt động liên tục nhiều ngày trên chiến trường. Điển hình như trận đánh nhà ga tàu điện, các kíp xe chiến đấu 6 ngày liên tục sống trong xe.
Lực lượng hậu cần bộ binh phải hỗ trợ cung cấp lương thực, đạn dược cho xe. Sau khi cấp đủ đạn dược, xe lại tiếp tục tiến lên chiến tuyến tiêu diệt các hỏa điểm của đối phương.
Hệ thống giáp phản ứng nổ và thiết giáp của xe cũng không đủ để chống lại các trận mưa đạn chống tăng từ phía đối phương. Để giảm đến tối thiểu khả năng tổn thất, các kíp xe gắn lên tháp pháo và thân xe bao cát, các thùng đạn rỗng, lưới thép nhằm giảm thiểu tối đa khả năng xuyên phá của đạn chống tăng RPG các loại.
Cuộc chiến kéo dài dai dẳng đến 3 tháng. Phải đến ngày 26.03.1995, quân đội Nga mới có thể đạp tan mọi kháng cự của lực lượng Hồi giáo thánh chiến và kiểm soát được hoàn toàn thành phố.
Cuộc chiến trong thành phố Grozny bùng phát lần thứ 2 vào tháng 08.1996 nhưng kéo dài không lâu. Ngày 06.08.1996, lực lượng Hồi giáo cực đoan Chechnya tiến công vào thành phố, chúng không tấn công vào các địa bàn quan trọng của chính quyền nước Cộng hòa mà bao vây bắn phá các mục tiêu bằng súng cối.
Nhưng đã có kinh nghiệm, quân đội Nga tổ chức các đợt phản kích quyết liệt ngăn chặn diễn biến tình huống có thể dẫn đến thảm sát.
Mặc dù các tay súng thánh chiến Chechnya chống cự ác liệt, ngày 11.08.1996, quân đội Nga mở hành lang quan trọng tiến vào phủ tổng thống. Sang đến ngày 13.08.1996, các đơn vị quân đội Nga đồng loạt phản kích đánh lui lực lượng khủng bố khỏi những mục tiêu quan trọng.
Ngày 14.08.1996, quân đội Nga tái kiểm soát hoàn toàn thành phố Grozny một lần nữa. Trong trận chiến tại thành phố Grozny lần thứ 2, quân đội Nga mất 5 xe tăng, 22 xe BMP, 18 xe BTR. Số lượng binh sĩ thiệt mạng và bị thương khoảng vài trăm người. Quân đội Nga tiêu diệt hàng nghìn tay súng Chechnya thánh chiến.
Xe quân sự bị bắn cháy trên đường phố Grozny
Đoàn xe tăng thiết giáp của quân đội Nga trên chiến trường Grozny, Chechnya