Tại xưởng đóng tàu Baltic, ba tàu khu trục mang tên lửa định hướng lớp Đô đốc Grigorovich, vốn được dành cho Hạm đội Biển Đen Nga, vẫn đang nằm im lìm tại một góc xưởng trong 3 năm qua.
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân là bởi Ukraine đã cấm bán các loại động cơ dành cho tàu quân sự cho Nga, sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014. Hệ quả là hoạt động đóng các tàu này dừng lại, và được biết Nga đang tìm cách cắt giảm chi phí bằng cách bán các tàu này cho Ấn Độ mà không có động cơ.
Trong khi đó, lục quân và không quân Nga cũng chưa được cung cấp các thiết bị mới vì nhiều lý do khác nhau. Thực tế vào thời điểm hiện tại, lực lượng vũ trang Nga không hiện đại như những gì người ta tưởng tượng sau khi chứng kiến các cuộc diễu binh ở Quảng trường Đỏ.
“Anh phải biết phân biệt giữa sản phẩm thực sự với những gì được bày trong tủ kính của các cửa hàng”, ông Andrei Frolov, Tổng biên tập tạp chí Arms Exports của Nga cho biết. “Cuộc diễu binh ở quảng trường Đỏ giống như các mô hình thức ăn bày ra ở mặt tiền nhà hàng Nhật Bản vậy”.
Ngoài các tàu Đô đốc Grigorovich, chương trình chế tạo tàu lớp Đô đốc Gorshkov, tàu khu trục tàng hình hiện đại nhất của Nga, đã bị tê liệt vì lệnh trừng phạt.
Ngay cả trước khi lệnh cấm vận được áp dụng, phải mất 12 năm nhà sản xuất mới có thể hoàn thành chiếc tàu đầu tiên và đưa vào sử dụng vào mùa hè năm ngoái. Nga hi vọng có thể sẽ có thêm 14 tàu cùng chủng loại nữa, nhưng lúc này họ không có động cơ để lắp đặt cho 12 tàu trong số đó.
Moscow hiện đang tìm cách để phát triển các động cơ tuabin khí và thiết lập dây chuyền sản xuất chúng. Nhiệm vụ này được giao cho hãng sản xuất máy bay NPO Saturn, một công ty thuộc tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rostec của Nga do ông Sergei Chemezov, một cựu điệp viên tình báo Liên Xô KGB, đứng đầu.
Ông Ilya Fedorov, giám đốc cũ của Saturn, từng nói rằng ông đang lo ngại về những chi phí sản xuất, và thực tế công ty đã không thể cung cấp những loại động cơ đầu tiên cho Hải quân Nga vào năm 2017. Khi đó, ông Fedorov trả lời báo giới rằng “tất cả các tàu chiến của chúng ta đều hoạt động nhờ các động cơ này, và nếu không tự sản xuất thì mọi quá trình sẽ bị ngừng lại”.
Giờ đây ông Fedorov không còn làm việc cho công ty nữa. Ông Viktor Polyakov, giám đốc hiện tại của Saturn, nói rằng các phiên bản mẫu của ba loại động cơ mới đã vượt qua quá trình kiểm tra và giai đoạn sản xuất hàng loạt đã bắt đầu.
Mặc cho những tuyên bố của Tổng thống Nga Putin, công cuộc hiện đại hóa của Nga vẫn chưa diễn ra thuận lợi.
Vào đầu tháng này, ông Chemezov đã nói với hãng tin Reuters rằng một số lượng động cơ mới đã được bàn giao cho Hải quân Nga, song chưa có loại nào được lắp đặt lên các tàu khu trục. Hãng Saturn cho biết họ đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên từ Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên một nguồn tin nói rằng bộ này vẫn chưa xác định số lượng động cơ chính xác mà họ sẽ mua về.
“Nhiều khả năng Nga sẽ chưa thể bắt đầu sản xuất hàng loạt các động cơ này trong vòng ít nhất 5 năm tới”, ông Serhiy Zgurets, Giám đốc Công ty tư vấn Defense Express của Ukraine cho biết.
Ông Alexei Rakhmanov, người đứng đầu Tập đoàn đóng tàu Liên hợp của Nga, cho biết động cơ đầu tiên do Nga sản xuất sẽ được lắp đặt vào tàu khu trục mới “trong tương lai rất gần”. Cho dù điều này có thành sự thật đi chăng nữa, ông Igor Ponomarev, Giám đốc của xưởng đóng tàu phụ trách chế tạo các tàu khu trục nói rằng, tàu này chưa thể sẵn sàng hoạt động trước năm 2022.
Trong khi đó, máy bay tàng hình Sukhoi Su-57 mới đang có những vấn đề khác nhau. Ban đầu, Moscow có kế hoạch mua 150 phi cơ chiến đấu này, song Bộ Quốc phòng và nhiều quan chức chính phủ của Nga cho biết giờ đây họ chỉ mong một chiếc được hoàn thành trong năm nay, kéo theo đó là 14 chiếc nữa trong thời gian tới. Các chuyên gia nhận định rằng chi phí sản xuất hàng loạt cho máy bay mới đang vượt quá khả năng chi trả của Nga lúc này.
Xe tăng mới của Nga cũng chưa thể thực sự tham chiến. Ban đầu, Tổng thống Putin đã chấp thuận đề xuất mua về 2.300 xe tăng T-14 Armata mới, tuy nhiên loại vũ khí này đã nhiều lần phải gia công lại. Giờ đây, một số nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga nói rằng quân đội sẽ có 12 chiếc xe tăng mới đầu tiên trong tổng số 100 chiếc được lên kế hoạch sản xuất vào cuối năm nay.
Nhiều quan chức ngoại giao phương Tây và chuyên gia quân sự cho rằng việc ông Putin luôn phô trương sức mạnh quân sự của Nga là nhằm cải thiện hình ảnh của mình và chính phủ Moscow ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên tốc độ hiện đại hóa quân đội của Nga vào lúc này chậm hơn rất nhiều so với Trung Quốc.
“Những vấn đề của Moscow lúc này đồng nghĩa với việc khả năng triển khai quân đội ra nước ngoài không lợi hại như điện Kremlin muốn tất cả mọi người nghĩ”, một quan chức phương Tây có hiểu biết về quân đội Nga nói.
Xe tăng Armata vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Chi tiêu quốc phòng của Nga cũng tăng lên dưới thời ông Putin, song một số quan chức và chuyên gia Nga nói rằng Moscow lúc này vẫn còn ít nhà máy hiện đại và nhân công có trình độ, và không có nguồn tài chính cần thiết để khôi phục lại những gì đã mất sau khi Liên Xô tan rã.
Ông Frolov cho biết Nga đã sản xuất thành công các phiên bản mẫu của các loại vũ khí mới, song vẫn chưa thể bắt đầu sản xuất hàng loạt các loại vũ khí này.
Mặc cho những vấn đề đã nêu ở trên, quân đội Nga vẫn là một lực lượng lợi hại hàng đầu thế giới. Một số loại khí tài quân sự, ví dụ như hệ thống phòng không S-400, được đánh giá là một loại vũ khí đẳng cấp. Tổng thống Putin cũng đầu tư nhiều vào công nghệ tên lửa, và Nga đã công bố các loại tên lửa siêu thanh mới.
Tuy nhiên, các loại khí tài khác đến nay vẫn chưa được hoàn thành. Máy bay chiến đấu tàng hình mới của Nga mặc dù đã cất cánh lần đầu tiên từ 9 năm trước, còn xe tăng mới cũng đã xuất hiện trên quảng trường Đỏ vào 4 năm trước, song cả hai loại khí tài này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động trong tương lai gần.