Quân đội Mỹ muốn "dùng tên lửa vận tải hàng quân sự" tới bất kỳ đâu trên trái đất

Anh Minh |

Bộ Tư lệnh Vận tải của Lầu Năm Góc và hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk đang hợp tác để nghiên cứu sử dụng tên lửa để vận chuyển hàng hóa qua không gian. Kế hoạch này làm tăng triển vọng vận chuyển lượng hàng hóa cần thiết khẩn cấp cho quân đội Mỹ ở bất kỳ đâu trên Trái đất, trong vòng vài phút.

Mặc dù ý tưởng khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng có một số yếu tố, bao gồm chi phí và thời gian chuẩn bị, có thể khiến nó không thể thực hiện được.

Một tàu tên lửa được phóng đi từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở Nam California về lý thuyết có thể đi vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp và quay trở lại bầu khí quyển ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh.

Đi lại bằng tên lửa sẽ có những tác động đáng kinh ngạc đối với vận tải quân sự. Một máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemaster III bay 800 km/h, phải mất 12 giờ để từ California đến Okinawa, Nhật Bản - một hòn đảo gần Trung Quốc. Tuy nhiên, một tên lửa có thể thực hiện chuyến đi trong 30 phút hoặc ít hơn.

Tên lửa không cần một chuỗi máy bay tiếp nhiên liệu trên không hỗ trợ sứ mệnh, cũng như không cần xin phép bay qua các quốc gia nước ngoài theo một đường bay dài ngoằn ngoèo. Tên lửa an toàn và bảo mật, không quốc gia nào có khả năng bắn hạ chúng theo các tuyến đường có thể hình dung được.

Tướng Stephen R. Lyons, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Vận tải, nói với tạp chí Air Force: “Hãy nghĩ về việc di chuyển tương đương với trọng tải của một chiếc C-17 đến bất kỳ đâu trên thế giới trong vòng chưa đầy một giờ”.

Tướng Lyons có khả năng đề cập tên lửa Starship của SpaceX. SpaceX đã phát triển Starship, một tên lửa khổng lồ, cao 53m, để vận chuyển người và hàng hóa lên mặt trăng, sao Hỏa và có thể xa hơn nữa. Nó cũng có thể tạo ra “những bước nhảy nhanh” trên trái đất. Phi thuyền Starship có thể chở 100 tấn hàng hóa, trong khi máy bay C-17 có thể chở 85 tấn.

Có hai phương thức vận tải có thể được tính đến. Một là bay thẳng từ một căn cứ không gian của Mỹ. Thứ hai là đưa hàng hóa lên quỹ đạo trên một tàu vũ trụ, có thể nhanh chóng rời quỹ đạo và hạ cánh khi cần thiết. Cả hai có thể giao hàng trong khoảng một giờ hoặc ít hơn.

Việc này khả thi? Không có gì chứng tỏ câu trả lời là không. SpaceX đã phóng gần 100 tên lửa cho đến nay, chỉ với hai lần thất bại toàn bộ hoặc một phần. Điều quan trọng không kém trong nhiệm vụ tiếp tế là hạ cánh thành công và công ty đang khá thành công về mặt này.

Một vấn đề liên quan đến du hành không gian là thời gian. Trong khi chuyến bay vũ trụ thực tế có thể chỉ mất 30 phút, một sứ mệnh vận chuyển vũ trụ có thể mất nhiều ngày, vài tuần hoặc thậm chí hàng tháng để chuẩn bị.

Một tên lửa phải được chuẩn bị cho chuyến bay vào không gian, một quá trình bao gồm lắp dựng nó tại bệ phóng, tiếp nhiên liệu cho tên lửa và chất hàng hóa.

Tên lửa cũng chỉ có thể được phóng khi thời tiết tương đối tốt; điều kiện thời tiết kém có thể gây ra sự chậm trễ kéo dài đến cả tuần. Vì vậy, một chuyến đi được quảng cáo là kéo dài dưới một giờ sẽ cần thời gian chuẩn bị lâu hơn đáng kể. Lưu trữ hàng hóa trên vệ tinh sẽ đảm bảo phản ứng nhanh, nhưng vấn đề sẽ là phải vận chuyển nguồn hàng phù hợp vào quỹ đạo trước đó.

Và sau đó, vấn đề lớn nhất mà vận chuyển vũ trụ quân sự phải đối mặt: chi phí tuyệt đối.

Một tàu vũ trụ SpaceX Falcon 9 có khả năng chở 25 tấn tốn 28 triệu USD mỗi lần phóng. SpaceX ước tính tên lửa Starship có thể tốn ít nhất 2 triệu USD cho mỗi lần phóng. Mặt khác, chuyến bay kéo dài 12 giờ từ California đến Nhật Bản trên máy bay C-17 Globemaster III có giá 312.000 USD, chi phí tăng gấp đôi nếu máy bay bay về nhà để lấy thêm thiết bị.

Ngoài ra còn có chi phí cho một máy bay tiếp dầu trên không như KC-135 Stratotanker để hỗ trợ nhiệm vụ. Thậm chí theo những ước tính tốt nhất, việc vận chuyển tên lửa tốn kém gấp bốn lần so với việc vận tải cùng một loại hàng hóa bằng máy bay.

Tuy nhiên, chi phí không phải là tất cả, đặc biệt là khi có chiến sự. Nếu một hòn đảo như Okinawa, nơi có 30.000 quân nhân Mỹ, đang bị Quân đội Trung Quốc phong tỏa, tên lửa có thể là cách duy nhất để tiếp tế cho quân đội Mỹ ở đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại