Theo CNN, một số quan chức quốc phòng và quân sự Mỹ bao gồm những người được triển khai tới chiến trường Syria làm nhiệm vụ bày tỏ sự thất vọng tột độ trước cách xử lý tình huống của Tổng thống Donald Trump.
Quân đội Mỹ "căm phẫn" vì Tổng thống Trump bỏ mặc người Kurd ở Syria. (Ảnh: Reuters)
Một quan chức Mỹ cho hay, một số quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ đã “sôi máu” trước cách chính quyền Tổng thống Trump đối xử với người Kurd , khi mà lâu nay đây là lực lượng chủ chốt hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria.
Một quan chức quốc phòng cấp cao khác của Mỹ cũng chia sẻ với CNN rằng, Tổng thống Trump đã thất bại trong việc đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn trước cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ hay đưa ra thêm biện pháp để ngăn chặn cuộc tấn công nhằm vào người Kurd. Tất cả những lý do này cho thấy, chính ông Trump đã “bật đèn xanh” để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria , dù chính quyền Mỹ vẫn ra rả trước dư luận về việc phản đối chiến dịch quân sự của Ankara.
“Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu đang chiến đấu với một lực lượng có ý định xóa sổ họ, bởi chúng ta đã bật đèn xanh cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ”, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ.
Một quan chức Mỹ từng tham chiến ở Syria cho hay ông cảm thấy “xấu hổ” vì hành động của quốc gia mình với SDF và khẳng định Mỹ đã thất bại trong việc bảo vệ một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống IS.
Mỹ tự làm mất lòng tin
Việc Mỹ từ bỏ sự ủng hộ đối với người Kurd giữa lúc Thổ Nhĩ kỳ tấn công vào phía đông bắc Syria đang khiến các đối tác tiềm năng và đồng minh của Mỹ mất niềm tin.
Các tay súng phiến quân ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Syria. (Ảnh: Reuters)
“Làm sao chúng ta có thể hy vọng ai đó muốn làm đối tác với chúng ta bây giờ”, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN.
“Họ đã làm mọi việc mà chúng ta yêu cầu, nhưng chúng ta lại chưa đủ tốt”, một quan chức Mỹ khác chia sẻ.
Hôm 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho triển khai “Chiến dịch mùa xuân hòa bình” vào phía đông bắc Syria, sau khi Tổng thống Trump hạ lệnh rút 100 binh sĩ Mỹ khỏi khu vực biên giới do lo ngại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khu vực này.
Giới chức trong chính quyền của Tổng thống Trump từng nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ tấn công người Kurd kể cả khi quân đội Mỹ không rút quân. Nhưng SDF cùng một nhóm nghị sĩ Mỹ cho rằng, chính ông Trump đã không quyết liệt ngăn cản Ankara cũng như không có hành động cụ thể để ngăn chặn chiến dịch tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Cụ thể, một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa đã công khai chỉ trích quyết định rút quân của Tổng thống Trump là hành động phản bội người Kurd, cũng như gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của Mỹ đồng thời làm đảo chiều cuộc chiến chống IS và khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ đồng minh nhưng lại trao cơ hội gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực cho Nga và Iran.
Trong một động thái nhằm sửa chữa lỗi lầm, hôm 14/10, chính quyền của Tổng thống Trump ra tuyên bố áp đặt loạt trừng phạt nhằm vào các Bộ trưởng Quốc phòng, Năng lượng và Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Mỹ Mike Pence còn tiết lộ, Tổng thống Trump đã nói chuyện với cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và nhà lãnh đạo SDF là Tướng Mazloum Kobani Abdi. Theo đó, ông Trump đã “nhận được lời cam kết chắc chắn” từ phía Tổng thống Erdogan về việc không tấn công nhằm vào thành phố Kobani, một địa điểm được xem là quan trọng đối với SDF và người Kurd.
Cũng theo ông Pence, Mỹ đang cố gắng thiết lập lệnh ngừng bắn ở Syria. Tuy nhiên, với việc rút quân khỏi phía đông bắc Syria, Mỹ sẽ gặp khó trong hoạt động kiểm soát quá trình thi hành lệnh ngừng bắn, cũng như không rõ Mỹ còn giữ được tầm ảnh hưởng ở khu vực hay không.
Sự tức giận của binh sĩ Mỹ trước quyết định của Tổng thống Trump còn xuất phát từ thực tế là nhằm xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã thuyết phục các tay súng người Kurd ở Syria từ bỏ những pháo đài phòng thủ ở khu vực biên giới và rút quân. Theo Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng thuận với một thỏa thuận nhằm ngăn chặn hành động quân sự đơn phương của Ankara đồng thời Mỹ sẽ cung cấp thông tin tình báo về khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cho chính quyền Ankara.
Tuy nhiên, sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định triển khai chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria. Trong khi đó, dù là đồng minh của Mỹ nhưng người Kurd chỉ nhận được các loại vũ khí hạng nhẹ như súng trường AK-47 chứ không phải là những vũ khí hạng nặng để có thể đủ sức chống đỡ lại những đợt tấn công từ dàn vũ khí hiện đại như xe tăng, pháo binh và chiến đấu cơ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ .
Về phần mình, các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ vẫn khẳng định Washington không bỏ rơi người Kurd ở Syria. Nhưng trên thực tế, chính phủ Mỹ chưa có bất cứ hành động cụ thể nào ngăn chặn đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 11/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper một lần nữa ra tuyên bố không bỏ rơi đồng minh người Kurd, song nhấn mạnh Mỹ không can thiệp vào cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Kurd tìm chỗ"chống lưng" sau khi bị phản bội
Binh sĩ quân đội Syria. (Ảnh: Reuters)
Dù các quan chức cấp cao Mỹ có đưa ra bao nhiêu lời biện hộ, binh sĩ Mỹ tham chiến ở Syria vẫn khẳng định đây là sự bỏ rơi và “phản bội” người Kurd.
“Tình hình hiện tại rất rối loạn. Chúng tôi muốn có sự hỗ trợ. Chúng tôi không muốn bỏ mặc họ trong tình huống hiện nay”, CNN dẫn lời một binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ hoạt động ở Syria phát biểu ngay sau khi nhận được tin Tổng thống Trump cho rút quân đội Mỹ khỏi đông bắc Syria.
Khi thiếu vắng sự hỗ trợ của Mỹ giữa lúc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp tổ chức tấn công, người Kurd đã tìm sự bảo vệ từ chính quyền của Tổng thống Bashar Assad và quân đội Nga.
Và kể từ ngày 13/10, quân đội Syria đã nhanh chóng cho triển khai binh sĩ cùng vũ khí tới khu vực biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn đợt tấn công từ Ankara. Sự xuất hiện của quân đội Syria ở khu vực người Kurd làm dấy lên mối lo ngại về cuộc chiến trực tiếp giữa quân đội của chính quyền Damascus và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.