Thực lực răn đe
Ngay từ khi Israel lập quốc, Quân đội Israel (Tsahal) đã được đánh giá rất cao nhờ khả năng và ý chí chiến đấu. Ngày nay, quân đội Israel vẫn sẵn sàng chuẩn bị tiến hành các chiến dịch khác nhau ở các cửa ngõ của đất nước hay cách xa hàng nghìn km.
Quân đội Israel, được biết tới nhiều hơn dưới tên gọi Tsahal (chữ viết tắt của Tsva Haganah Le Israel - các lực lượng phòng thủ Israel) lừng danh với những chiến thắng 1956, 1967, 1973 và 1982. Trang web Globalfirepower của Mỹ đánh giá rằng Tsahal là quân đội hùng mạnh thứ 16 thế giới, bỏ xa quân đội các nước Arab.
Binh sĩ Israel hành quân
Để đối phó với các mối đe dọa, Israel không ngừng tăng cường độ tin cậy của chiến lược răn đe, để thuyết phục đối phương rằng mọi hành động thù địch chống Israel sẽ là vô ích.
Trên lĩnh vực chiến tranh thông thường, cuộc chiến điển hình cho chiến lược này là chiến dịch Plomb durci và chiến dịch Trụ cột phòng thủ (từ ngày 14 đến ngày 21/11/2012) chống Hamas, cũng như những đe dọa nhằm vào Chính phủ Lebanon, trong trường hợp lực lượng Hezbollah quyết định lao vào một cuộc đối đầu mới với Israel.
Đó cũng là ý nghĩa của những lời cảnh báo Syria, với giả thuyết rằng Syria trong bước đường cùng sẽ sử dụng kho vũ khí hóa học chống Israel hoặc để kho vũ khí đó rơi vào tay các thế lực thù địch.
Trên lĩnh vực chiến tranh phi thông thường, đó là lời cảnh báo mà cố Tổng thống Shimon Peres đã đưa ra: “Tôi nhắc nhở các kẻ thù của chúng tôi rằng đừng đánh giá thấp các khả năng quân sự, công khai hoặc bí mật của Israel”.
Các lực lượng chiến lược Israel có tổng cộng khoảng 50 tên lửa đạn đạo cơ động Jericho 2, 2B và 3, với các tầm bắn trung bình 1.400, 2.000 và 7.000 km.
Một phiên bản cải tiến của Jericho 2 dường như đang được phát triển. Một số tên lửa Jericho 1 và 2 có thể đã được sửa đổi để thực hiện các cuộc tấn công thông thường chống các mục tiêu rắn, với tầm bắn xa hơn và một đầu đạn nhẹ hơn có khả năng thâm nhập cao.
Ngoài các tên lửa, Israel còn có các máy bay ném bom nguyên tử và các tên lửa hành trình Popeye Turbo (có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân) để trang bị cho 5 tàu ngầm type 800 do Đức cung cấp.
Kho vũ khí của Israel có thể có tới 200 đầu đạn hạt nhân, nhưng do chi phí bảo dưỡng tốn kém, nên họ chỉ cần 80 đầu đạn đã đủ sức răn đe. Như vậy, Israel sở hữu đủ “bộ ba chiến lược” (tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom hạt nhân, tàu ngầm phóng tên lửa) đảm bảo cho họ khả năng giáng trả và răn đe các nước đối phương.
Do không biết cuộc chiến tranh sắp tới sẽ diễn ra dưới hình thức nào, quân đội Israel phải sẵn sàng cho mọi phương án đối đầu: đột kích sâu, chống nổi dậy, chiến tranh trong đô thị, chiến tranh cơ giới hóa cường độ cao, đánh chặn tên lửa, cuộc chiến hải quân.
Việc đương đầu với những thách thức đa dạng đòi hỏi phải có các loại vũ khí và sự hiểu biết hoàn toàn khác nhau là một bài toán mà các nhà chiến lược của Tsahal hy vọng giải được bằng cách quay trở lại với những nguyên tắc căn bản đã đảm bảo sự thành công của các vũ khí Israel: mạnh, xa, phủ đầu và bất ngờ, huy động nhanh chóng quân đội, đẩy chiến sự sang lãnh thổ đối phương, thực hiện một cuộc chiến nhanh gọn, bảo vệ lãnh thổ Israel như một vùng đất thánh không thể xâm phạm và trừng phạt đối phương khiến đối phương không dám tái phạm.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava của Israel
Về mặt tác chiến, những nguyên tắc này kéo theo nhiều vấn đề cấp thiết: lấy lại sự tự tin và niềm tin vào cấp chỉ huy nhờ sự gương mẫu và bằng một sự tập luyện theo phương châm "khổ luyện thành tài"; giành lại quyền kiểm soát trận chiến trên bộ và trong đô thị (gồm cả đánh giáp lá cà); sự hiệp đồng giữa các loại vũ khí và các binh chủng; và tăng cường các khả năng tấn công ở khoảng cách rất xa.
Những nỗ lực đặc biệt cũng đã được thực hiện trong lĩnh vực duy trì trật tự và kiểm soát đám đông, học thuyết, C4I (hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính và tình báo) và tất cả các yếu tố thuộc lĩnh vực điều khiển học.
Máy bay chiến đấu F-15 của Israel
Mặt khác, quân đội Israel thiết lập "mái vòm sắt công nghệ số" để chống lại các cuộc tấn công của tin tặc. Các trang mạng chính thức của Israel là mục tiêu của 44 triệu cuộc tấn công tin học trong chiến dịch Trụ cột phòng thủ. Quyết định này được đưa ra là vì bản thân Chính phủ Israel cũng sử dụng các cuộc tấn công tin học.
Về mặt chiến lược, việc áp dụng những nguyên tắc này được ưu tiên cho các lực lượng đặc nhiệm (Yamam, Sayeret Matkal, Shaldag, Egoz, Duvdevan và Shimson) và không quân vì họ tham gia tác chiến cả ở bên ngoài biên giới lẫn trên lãnh thổ Israel.
Lính đặc nhiệm quân đội Israel tại Hebron.
Việc tiến hành các cuộc đột kích sâu, trong chuỗi các cuộc đột kích nhằm vào Entebbe, Osirak hay Tunis, đánh dấu một sự quay trở lại với những nguyên tắc căn bản của học thuyết Israel.
Các cuộc đột kích vào cơ sở hạt nhân Al Kibar của Syria hồi tháng 9/2007, vào đoàn xe chở vũ khí cung cấp cho Hamas hồi tháng 1/2009 tại Sudan, vào một nhà máy sản xuất vũ khí ở Khartum ngày 24/10/2012, và tại Syria, vào một đoàn xe chở vũ khí cung cấp cho lực lượng Hezbollah ngày 30/1/2013, là những ví dụ chứng tỏ Israel tự cho phép mình hành động ở đâu họ thấy cần thiết để ngăn chặn các đối thủ tăng cường lực lượng.