Quân đội các nước phương Tây can thiệp quân sự vào Nga 100 năm trước

Trung Hiếu |

Việc phương Tây can thiệp vào nước Nga rộng lớn có một lịch sử dài lâu. Vào năm 1918, đã có một cuộc can thiệp quân sự quy mô lớn như thế.

Từ năm 1918-1922, các quốc gia trước đó là đồng minh của Nga đã gửi binh sĩ tới chiếm các vị trí chiến lược ở Nga nhằm bảo vệ lợi ích của họ tại đây, và cũng có thể để gây ảnh hưởng lên tiến trình Nội chiến Nga. Tuy nhiên, Hồng quân đã giành thế áp đảo do các lực lượng can thiệp thiếu một chiến lược nhất quán.

Đảng Bolshevik giành chính quyền vào tháng 11/1917 khi nước Nga vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Đức. Lãnh tụ vô sản Vladimir Lenin hứa hẹn chấm dứt chiến tranh và một trong những việc đầu tiên ông làm là ký Sắc lệnh về Hòa bình, đề xuất “hòa bình ngay lập tức mà không có thôn tính hay đền bù”.

Động thái này là một bất ngờ dễ chịu với Đức nhưng là một cú sốc lớn đối với các đồng minh của Nga khi đó là Anh, Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Lo ngại trước tình trạng hỗn loạn ở Nga, các quốc gia này đã gửi quân tới chiếm đóng các vùng ở Nga.

Chiến thắng ngắn ngủi dành cho người Đức

Khi lực lượng Bolshevik kêu gọi chấm dứt chiến tranh, tình hình đang trở nên tệ hại hơn đối với quân đội Nga khi đó vẫn đang trên chiến trường. Đức tiếp tục cuộc tấn công và Leon Trotsky, một thủ lĩnh trong phong trào cách mạng Nga khi đó đã không thể đàm phán với điều khoản có lợi.

Trước sức ép quân sự của Đức trên mặt trận, ngày 3/8/1918, Trotsky buộc phải ký vào Hòa ước Brest-Litovsk với nhiều điều khoản nặng nề cho phía Nga, trong đó Nga phải chính thức nhượng cho Đức một phần đáng kể lãnh thổ, với 34% dân số và 54% số xí nghiệp công nghiệp.

Tuy nhiên đế chế Đức chỉ được tận hưởng chiến thắng này trong 8 tháng, cho đến tháng 11/1918 khi họ thua trận trước các cường quốc phương Tây, gọi chung là khối Hiệp ước.

Phe Đồng minh can thiệp vào Nga

Sau khi Hòa ước Brest-Litovsk được ký kết, các chính trị gia phe Hiệp ước đã vô cùng tức giận và quyết định tự tay hành động.

Winston Churchill, khi đó là Bộ trưởng Vũ khí và Đạn dược của Anh, viết: “Lenin và Trotsky đã ký một hòa ước nhục nhã, theo đó họ phóng thích hơn 1 triệu lính Đức để chúng quay sang tấn công chúng ta ở phía Tây. Phe Đồng minh vào năm 1918 quyết định chiếm Arkhangelsk và Murmansk, đưa một lực lượng Đồng minh lên đó...”.

Vào tháng 3/1918, binh sĩ Anh, Pháp và Mỹ đổ bộ lên Arkhangelsk, một cảng chiến lược trên Biển Trắng. Vào tháng 8, họ chiếm Murmansk, một cửa ngõ phía bắc nữa của nước Nga.

Phong trào Bạch vệ chống Bolshevik ủng hộ cuộc can thiệp này. Mục đích chính thức của cuộc can thiệp là ngăn các tàu chở đạn dược của phương Tây rơi vào tay người Đức.

Từ Ukraine tới Vladivostok

Miền Bắc nước Nga không phải là nơi duy nhất mà quân đội phương Tây xuất hiện. Họ cũng can thiệp vào khu vực Kavkaz, Trung Á và Crimea, nơi các trung đoàn thực dân Pháp vẫn ở lại trong vài tháng.

Alexander Vertinsky, một ca sĩ Nga, hồi tưởng: “Các lính châu Phi tản bộ dọc theo các con phố. Họ gồm lính Marốc, Algeria. Không biết họ đang làm gì ở đây nữa”.

Nhật Bản điều tới 70.000 quân sang vùng Viễn Đông nước Nga, kiểm soát Vladivostok và toàn bộ bờ biển Thái Bình Dương. Quân Nhật đông hơn các lực lượng xâm lược khác. Anh gửi khoảng 30.000 quân, Mỹ xấp xỉ 15.000. Nước Pháp, do kiệt quệ trong Thế chiến 1, nên chỉ cố gửi được vài ngàn quân sang Nga.

Trong khi đó, ở miền trung nước Nga, 40.000 lính Tiệp Khắc đang di chuyển về phía đông, xuyên qua Siberia nhằm tìm đường ra khỏi nước Nga. Họ là các lính Áo-Hung bị bắt, và ở Nga họ hình thành lực lượng lê dương Tiệp Khắc để chiến đấu chống lại các chủ cũ của mình, nhưng khi chiến tranh kết thúc, cái chính phủ Nga thuê họ đã không còn tồn tại. Lực lượng Tiệp Khắc này không muốn giúp người Bolshevik và họ quay ra giúp phong trào Bạch vệ.

Những chiến binh hững hờ

Tuy nhiên, vai trò của các lính Tiệp Khắc trong cuộc đối đầu với Hồng quân cũng khá mờ nhạt, tương tự như vai trò của phe Hiệp ước nói chung. Đúng như Lenin nhận xét: “Trong 3 năm liền, quân đội Anh, Pháp và Nhật Bản đã đóng trên lãnh thổ Nga. Không nghi ngờ gì nữa, nếu chúng nỗ lực dù chỉ chút ít để đánh bại chúng ta thì chúng hẳn đã giành chiến thắng”.

Các thủ lĩnh phong trào Bạch vệ, như Đô đốc Alexander Kolchak và Tướng Anton Denikin cũng đánh giá sự hỗ trợ của phe Hiệp ước chỉ là thứ yếu.

Người viết tiểu sử cho Kolchak, Vladimir Khandorin, viết: “Sự trợ giúp từ phe Đồng minh dành cho nhóm Bạch vệ chủ yếu là cung cấp cho quân Bạch vệ vũ khí và quân phục”. Dù quan trọng, các đơn vị của quân đội phương Tây hiếm khi giáp mặt với Hồng quân trên chiến trường.

Thất bại tất yếu

Vì sao quân của phe Hiệp ước lại lưỡng lự?

Phương Tây khi đó thường xuyên bất đồng với Bạch vệ về tương lai của nước Nga. Trong khi các tướng tá Bạch vệ chiến đấu để giữ cho nước Nga “thống nhất và không bị chia cắt” thì quân Đồng minh lại muốn trao độc lập cho các tỉnh của nước Nga rộng lớn.

Sử gia Dmitry Lehovich viết: “Dmitry Lehovich (Thủ tướng Anh) do dự giữa việc giúp đỡ phong trào Bạch vệ, các kế hoạch buôn bán với chính quyền Xô viết, và việc ủng hộ nền độc lập của các quốc gia nhỏ hơn dọc theo biên giới Nga”.

Điều này bất lợi cho phe Bạch vệ, những kẻ cuối cùng đã thất bại về mặt quân sự. Một số tướng Bạch vệ bị tiêu diệt, số khác phải lưu vong.

Vào cuối năm 1919, quân Tiệp Khắc, Anh và các nước phương Tây khác đã hồi hương. Quân Nhật Bản còn ở lại Viễn Đông Nga lâu hơn cả, đến tận năm 1922. Nhưng quân Nhật cũng không thiết tha chiến đấu chống lại lực lượng Bolshevik và đã rút đi.

Cuối cùng, phương Tây nhận thấy rằng họ phải thiết lập quan hệ với nhà nước Nga mới – nước Nga Xô viết./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại