QUÂN ĐỘI: 268.806 người với hơn 4 nghìn phương tiện sẵn sàng ứng phó BÃO SỐ 4

chinhphu.vn |

Lực lượng quân đội đã sẵn sàng 268.806 người với hơn 4 nghìn phương tiện ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão số 4.

QUÂN ĐỘI: 268.806 người với hơn 4 nghìn phương tiện sẵn sàng ứng phó BÃO SỐ 4- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng nếu mạnh lên thành bão số 4, sẽ có một đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung, cần xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp.

Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm

Chiều 18/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Ninh Bình đến Bình Định.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, theo dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Do vậy, các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão thực hiện nghiêm Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17/9 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 6851/CĐ-BNN-ĐĐ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các tỉnh, thành phố kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải, đặc biệt là tàu vận tải nhỏ) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.

Trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu đảm bảo an toàn.

Rất có thể lặp lại kịch bản như đợt mưa tại miền Trung năm 2000

Theo ông Hiệp, nếu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 thì đây không phải là bão quá lớn nhưng lại gây mưa to tại khu vực Trung Bộ, trọng tâm là các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... và rất có thể kịch bản lặp lại như đợt mưa tại miền Trung năm 2000.

Do vậy, các địa phương cần làm tốt công tác rà soát lại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, thực hiện việc di dời người dân đến nơi an toàn.

"Đặc biệt, các địa phương hết sức chú ý đến hoàn lưu sau bão thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Cần tập trung xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp, không chủ quan trong ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiêp nhấn mạnh.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý các tình huống

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các địa phương đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công.

Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ thực hiện tốt công tác chỉ đạo ứng phó với bão và áp thấp nhiệt đới.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai căn cứ vào tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ thành lập các đoàn đến địa phương để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão.

QUÂN ĐỘI: 268.806 người với hơn 4 nghìn phương tiện sẵn sàng ứng phó BÃO SỐ 4- Ảnh 2.

Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành Bão số 4 gây mưa lớn kèm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở Trung Bộ

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, lúc 13 giờ ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới ở phía Đông khu vực Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 530 km về phía Đông.

Trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 15 km/h. Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

"Các cơ quan dự báo quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) đều có chung nhận định áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão", ông Mai Văn Khiêm thông tin.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, từ chiều tối 18/9, vùng biển Quảng Trị-Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) gió cấp 6-7, sóng 2-4m.

Ngày và đêm 19/9, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2,-4m, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh.

Cảnh báo, vùng biển phía Bắc và giữa Biển Đông có sóng cao 3-5m; ngoài khơi Trung Bộ sóng cao 3-5m; vùng biển ven bờ từ Nghệ An-Quảng Ngãi có sóng cao 2-4,5m; vùng biển từ Nghệ An- Hà Tĩnh có sóng cao 2-3m; vùng biển từ Quảng Bình- Huế có sóng cao 3-4,5m; vùng biển từ Đà Năng-Quảng Ngãi có sóng cao 2-4m.

Ngoài ra, vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ) sẽ chịu tác động của tổ hợp triều cao, nước dâng do bão và sóng lớn nên nguy cơ ngập ở vùng trũng, thấp ven biển, ven sông, khu neo đậu tàu/thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và sạt lở bờ biển, nhất là vào thời điểm nửa đêm và trưa các ngày 18-19/9.

Trên đất liền, từ gần sáng 19/9, ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 5, có nơi cấp 6, giật 8. Từ trưa đến đêm 19/9, ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió mạnh 6-7, gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, bão đi sâu vào trong đất liền có sức gió giật cấp 6-7.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố Bắc và Trung Trung Bộ có lượng mưa từ 100-300mm, có nơi trên 500mm; nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trên.

Khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng có mưa từ 200-300mm, có nơi trên 600mm (thời gian mưa từ sáng sớm 18-19/9).

Khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh có mưa từ 150-300mm, có nơi trên 500mm. Khu vực Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa từ 70-150mm, có nơi trên 200mm.

Trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam khả năng xuất hiện lũ, biên độ lũ lên tại thượng lưu các sông từ 3-7m.

Thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa), thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức báo động 1- báo động 2 và trên báo động 2.

Đỉnh lũ trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức báo động 2- báo động 3. Hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông La (Hà Tĩnh) ở mức báo động 1. Hạ lưu sông Cả (Nghệ An) lên trên mức báo động 1.

Sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam lên mức báo động báo động 1-báo động 2 , có sông trên báo động 2.

Riêng các sông nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 3; nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các đô thị, thành phố và các khu vực từ Nghệ An đến Quảng Nam.

"Bắt đầu từ chiều 18/9, khả năng xuất hiện các đợt sóng lừng cao lan truyền vào bờ biển Trung Bộ", Giám đốc Mai Văn Khiêm lưu ý.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, vùng núi và trung du các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng đề phòng nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất.

Lực lượng quân đội đã sẵn sàng 268.806 cán bộ với hơn 4 nghìn phương tiện ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão

Theo Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đơn vị đã ban hành 2 công điện chỉ đạo việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, trong đó lưu ý đến việc hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn...

Tính đến 11 giờ ngày 18/9, lực lượng Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn được 66.960 tàu/306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh, trong đó, 75 tàu/618 người hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và khu vực Hoàng Sa; đảm bảo không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm; các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho hay, lực lượng quân đội đã sẵn sàng 268.806 cán bộ với hơn 4 nghìn phương tiện ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh khẳng định, tỉnh đã lên 4 phương án di dời dân khi có mưa lớn, đặc biệt tại các khu vực trọng yếu như A Lưới, Nam Đông...

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nêu rõ, thành phố đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy đến các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó; đồng thời, chiều 18/9, thành phố Đà Nẵng sẽ cho học sinh nghỉ học...

Quân khu 4 chỉ đạo các đơn vị ứng phó với áp thấp nhiệt đới (bão số 4)

Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã có công văn chỉ đạo yêu cầu các cơ quan đơn vị chủ động, sẵn sàng các biện pháp ứng phó.

Theo đó, Bộ tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ cứu nạn ở các cấp, theo dõi nắm chắc tình hình áp thấp nhiệt đới, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, diễn biến của mưa lũ trên địa bàn; chủ động báo cáo, tham mưu đề xuất xử lý kịp thời, hiệu quả.

Các cơ quan, đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống, theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới; phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh và các địa phương ven biển để nắm tình hình tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi, thông báo cho các chủ phương tiện trên biển biết vị trí, diễn biến, hướng đi của áp thấp nhiệt đới, để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng biển nguy hiểm.

Bên cạnh đó, khi điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai trên địa bàn có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại