Liên quan đến vụ việc quán cơm bình dân tại ngõ 4 phố Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) bị khách tố "chặt chém" suất cơm lên đến 160.000 đồng, UBND phường Phương Mai vừa ra quyết định tạm đóng cửa quán cơm này để yêu cầu chủ quán hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục còn thiếu.
Hiện, phường Phương Mai đã gửi hồ sơ, kiến nghị lên UBND quận Đống Đa để có phương án giải quyết vì "việc xử phạt vượt thẩm quyền của phường".
Liên quan đến sự việc trên, luật sư Diệp Năng Bình, Văn phòng luật sư Tinh Thông, nhận định theo quy định của pháp luật, để thực hiện kinh doanh, các hộ kinh doanh cần tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Căn cứ theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và Luật an toàn thực phẩm 2010 thì đối với việc kinh doanh quán cơm bình dân cần phải có đầy đủ giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận quán ăn đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do vậy, quán cơm bình dân cần phải có đầy đủ các giấy tờ về đăng kí kinh doanh và giấy chứng nhận quán ăn đủ điều kiện về ăn toàn thực phẩm mới được phép đi vào hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, pháp luật nước ta cũng đã quy định rõ về niêm yết giá để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng. Căn cứ Tại Điều 17 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật giá thì những địa điểm sau bắt buộc phải thực hiện niêm yết giá: cơ sở sản xuất, kinh doanh; Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; …
“Vì vậy trường hợp quán ăn bình dân thuộc một trong những địa điểm bắt buộc phải niêm yết giá, nếu không thực hiện niêm yết giá mà tự thoả thuận (theo lời chủ quán) là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính”, luật sư Bình nhấn mạnh.
Luật sư Bình phân tích thêm, trường hợp quán ăn bình dân có vi phạm về giá cả thì sẽ bị xử lý hành chính theo Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định số 109/2013/NĐ-CP thì:
Trường hợp không niêm yết giá hàng hoá dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết thì chủ thể vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm thì mức phạt có thể áp dụng từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Luật sư Diệp Năng Bình
“Như vậy, Căn cứ theo các quy định của pháp luật thì để có thể xử lý cũng như xử phạt quán cơm bình dân lấy giá quá cao thì cần phải xác minh xem quán cơm có được hoạt động kinh doanh không và có được cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm không, đồng thời cũng cần phải xác minh về giá niêm yết đối với mỗi suất cơm của quán cơm bình dân đó”, luật sư Bình nói.
“Cơm bình dân mà giá không bình dân chút nào"
Dưới góc độ văn hóa, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển nhận định, với giá 160 nghìn/suất ở quán cơm bình dân, hay được gọi là cơm bụi như vậy là thiếu lương tâm, lợi dụng lòng tin của người mua.
Theo PGS Quý Đức, những người buôn bán như vậy là thiếu lương tâm, không trung thực... “Cơm bình dân mà giá không bình dân chút nào. Đó là điều biểu hiện cho con người thiếu tình thương với đồng loại, lợi dụng nỗi vất vả, khó khăn của người khác”, ông Đức nhấn mạnh.
Việc UBND phường Phương Mai đã quyết định tạm dừng hoạt động đối với quán ăn là việc làm rất cần thiết.
Tuy nhiên, chuyên gia văn hóa cho rằng, cơ quan quản lý cần có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn. Lực lượng chức năng cứ căn cứ quy chế, nếu sai xử phạt, thậm chí tước giấy phép nếu vi phạm nghiêm trọng.