Quan chức ngoại giao Mỹ: "Sát thủ" vệ tinh Nga có thể đánh sập nền kinh tế toàn cầu

Anh Tú |

Vệ tinh Nga có khả năng gắn thiết bị tình báo vào một vệ tinh nào đó của đối phương, điều chỉnh quỹ đạo, bóp méo tín hiệu, làm hư hại và thậm chí phá hủy hoặc chiếm giữ nó.

"Nhỏ. Linh hoạt. Nó đang làm những điều khác thường trên đầu chúng ta. Vệ tinh Kosmos 2521 mới của Nga có khả năng đánh sập nền kinh tế thế giới".

"Chúng tôi không biết chắc chắn nó là gì và không có cách nào xác minh được điều đó", Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Yleem Poblete đã phát biểu như vậy tại Hội nghi Giải trừ Quân bị của Liên Hợp Quốc hôm 14/8 ở Thụy Sĩ.

"Tuy nhiên, ý định sử dụng vệ tinh này của Nga không rõ ràng và là một một diễn biến rất đáng lo ngại, đặc biệt khi gắn nó với những phát biểu gần đây của Tư lệnh Lực lượng Vũ trụ Nga".

Bà Yleem Poblete nói rằng, những chuyển động của Kosmos 2521 cho thấy, nó có thể là một vũ khí chống vệ tinh.

Nếu đúng như vậy, hậu quả tiềm ẩn của nó hết sức nguy hiểm: Các dịch vụ thiết yếu như internet, truyền hình, điện thoại, hệ thống định vị toàn cầu (GPS), tất cả đều phụ thuộc vào vệ tinh. Đó là chưa kể tới một loạt dịch vụ khác như dự báo thời tiết hay cứu hỏa.

"Tháng 10 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga đã triển khai một vật thể lên vũ trụ mà họ tuyên bố là thiết bị thanh sát không gian. Nhưng những động thái của nó trên quỹ đạo không tương thích với bất kỳ hoạt động nào trước đây, xét từ các khả năng nhận biết tình hình trên vũ trụ". Bà Poblete phát biểu.

Moscow ngay lập tức đã bác bỏ những bình luận này của bà Yleem Poblete.

"Điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ lo sợ là những cáo buộc vu khống, không có căn cứ, dựa trên những nghi ngờ và đồn đoán" nhà ngoại giao Nga Alexander Deynko chia sẻ trên Reuters.

Tuy nhiên, Tư lệnh Lực lượng Vũ trụ Nga đã từng tuyên bố công khai rằng nước này đang phát triển các "nguyên mẫu vũ khí không gian mới".

Liệu đây có phải là một trong số chúng? Dù thế nào đi chăng nữa, Lầu Năm Góc rõ ràng đang rất lo lắng.

"Mặc dù, xét về lịch sử, các hệ thống vũ trụ của Mỹ vẫn giữ lợi thế công nghệ hơn đối thủ nhưng các đối thủ tiềm ẩn đang chủ động tìm ra cách thức vô hiệu hóa chúng ta nếu khủng hoảng xả ra", báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi đầu tháng đã nhấn mạnh điều này.

Quan chức ngoại giao Mỹ: Sát thủ vệ tinh Nga có thể đánh sập nền kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Tên lửa đưa vệ tinh Komsos-2504 của Nga lên quỹ đạo. Ảnh: BQP Nga

Yleem Poblete không cho biết bà đang nói về loại vệ tinh nào của Nga nhưng các chuyên gia phân tích quân sự tin rằng đó là một trong những chiếc được phóng lên vào ngày 23/6.

Một tháng sau đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo họ đã phóng một tàu vũ trụ cỡ nhỏ tách từ một trạm không gian dùng để giám sát tình hình hoạt động của vệ tinh Nga.

Kosmos 2521 được cho là đã triển khai từ một vệ tinh khác - Kosmos 2519. Bay bên cạnh nó là vệ tinh Kosmos 2523. Thực tế những vệ tinh này đang đảm nhận nhiệm vụ gì thì chưa được rõ.

Tuy nhiên, nhiều thông tin được biết tới đến nay cho thấy Moscow đã đầu tư rất mạnh cho khả năng điều khiển vệ tinh bay xung quanh quỹ đạo và tương tác với các vệ tinh khác.

Điều này cho phép nó có khả năng gắn thiết bị tình báo vào một vệ tinh nào đó của đối phương, điều chỉnh quỹ đạo, bóp méo tín hiệu, làm hư hại và thậm chí phá hủy hoặc nguy hiểm hơn là chiếm giữ nó.

Ngoài ra, Nga không chỉ phát triển khả năng tác chiến vệ tinh trên vũ trụ mà họ cũng đã triển khai, lần đầu tiên, các tổ hợp vũ khí laser đặt dưới mặt đất để bắn hạ các "cặp mắt do thám trên không".

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các binh lính thuộc lực lượng vũ trụ của họ đã tiếp nhận một hệ thống laser cơ động mà Tổng thống Vladimir Putin từng công bố với thế giới trong bản thông điệp liên bang ngày 1/3 vừa qua.

Đó chính là Peresvet, một trong 6 siêu vũ khí mà ông Putin đề cập tới. Hệ thống này không những có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo ở pha bay quỹ đạo mà còn có thể tiêu diệt cả vệ tinh.

Video giới thiệu tổ hợp vũ khí laser Peresvet của Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại