"Hãy mua vũ khí Mỹ, thay vì các loại vũ khí chất lượng thấp của Trung Quốc bởi chúng có nguy cơ tước đi mạng sống cả những người lính của các vị, chứ không riêng gì kẻ địch" – một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu trước các khách hàng nước ngoài tiềm năng tại Washington hôm qua (31/10).
Mỹ hiện phân bổ khoảng 10 tỷ USD hàng năm cho các khoản trợ cấp về an ninh và quốc phòng cho các đồng minh trên khắp thế giới, nhưng Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập vào thị trường vũ khí nhằm làm suy yếu sức ảnh hưởng của Mỹ.
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị - quân sự R. Clarke Cooper, họ (Trung Quốc) sử dụng mức giá hạ thấp, phương pháp định giá diệt nhau (ấn định giá cả ở mức rất thấp nhằm làm suy yếu hoặc loại trừ đối thủ cạnh tranh) và thậm chí hối lộ.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ R. Clarke Cooper cảnh báo các nước về chất lượng vũ khí do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Getty
"Chọn Mỹ làm đối tác an ninh vẫn là lựa chọn tốt nhất đối với các quốc gia trên khắp thế giới" – ông Cooper nói với các đại sứ và tùy viên quân sự các nước trong buổi gặp gỡ tại Trung tâm Quốc tế Meridian.
"Trung Quốc đang sử dụng các thỏa thuận chuyển giao vũ khí như một phương thức để chen chân vào cửa – cánh cửa mà một khi đã mở ra thì Trung Quốc sẽ nhanh chóng lợi dụng để gây ảnh hưởng và thu thập thông tin tình báo" – ông Cooper nhấn mạnh, đồng thời đề cập đến các trường hợp sai lầm khi không mua vũ khí Mỹ.
Chẳng hạn, khi Kenya đặt mua các xe bọc thép chở quân Norinco VN-4, đại diện thương mại của Trung Quốc đã từ chối ngồi vào xe trong quá trình thử nghiệm bắn.
Kenya vẫn bất chấp xúc tiến thương vụ này vào năm 2016 và sau đó "hàng chục quân nhân Kenya đã thiệt mạng trên những chiếc xe này" – ông Cooper nói. VN-4, biệt danh "Rhinoceros", là sản phẩm do công ty nhà nước Chongqing Tiema của Trung Quốc sản xuất.
Máy bay không người lái CH-4 của Trung Quốc. Ảnh: China Defence Forum
Bên cạnh đó, ông Cooper còn dẫn thêm trường hợp các nước Trung Đông mua máy bay không người lái có vũ trang CH-4 của Trung Quốc. Ông cho biết loại máy bay này hỏng chỉ sau vài tháng.
Theo Viện Hòa bình Quốc tế Stockholm, Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2014-2018, tiếp đó lần lượt là Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc. Doanh số bán hàng của Mỹ tăng 29% trong thời kỳ nói trên, trong khi chỉ số của Trung Quốc là 2,7%.
Ông Cooper cho rằng tham vọng của Trung Quốc đã vượt xa hơn so với việc xuất khẩu vũ khí đơn thuần, nhằm đưa các đồng minh của Mỹ vào "bẫy nợ" và "các hình thức lợi dụng khác".
Đề cập tới chương trình huấn luyện và dịch vụ hậu mãi, ông Cooper cho biết, các quốc gia mua vũ khí Mỹ có thể gửi các sĩ quan quân sự tới tham gia Chương trình Huấn luyện và Đào tạo Quân sự Quốc tế của Mỹ, nơi họ được tiếp cận nững nội dung huấn luyện "hàng đầu thế giới" giống như các sĩ quan Mỹ.
"Điều này không có ở Trung Quốc" – ông Cooper nói, đồng thời lưu ý rằng các học viên nước ngoài có thể bị xếp chung với những sĩ quan chất lượng thấp hơn từ các nơi trên thế giới tại Trung tâm Trao đổi Đào tạo Quân sự Quốc tế của Trung Quốc.
Hiện đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa phản hồi yêu cầu bình luận của tờ SCMP đối với những phát ngôn trên của ông Cooper.