Theo đài RT (Nga), ông Medvedev cho biết Mỹ đang cố gắng đạt mục tiêu là khiến Nga thất bại chiến lược trong cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc Moskva có quyền tự vệ bằng mọi phương tiện cần thiết, kể cả vũ khí hạt nhân. Ông cảnh báo giới lãnh đạo Mỹ không nên coi họ là “bất khả xâm phạm”.
“Do Mỹ muốn đánh bại Nga, chúng tôi có quyền tự vệ bằng bất kỳ loại vũ khí nào, kể cả vũ khí hạt nhân”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Tuyên bố trên được ông Medvedev đưa ra vào ngày 22/2, sau phát biểu của các nhà lãnh đạo Nga - Mỹ vào ngày trước đó.
Trong thông điệp liên bang hôm 21/2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Moskva sẽ đình chỉ việc tham gia Hiệp ước New START - thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga.
Ông Medvedev nói rằng ông đã đoán trước được động thái này từ lâu. Vị quan chức Nga lập luận rằng động thái này đóng vai trò như một thông điệp gửi tới Mỹ - vốn cho rằng họ có thể khiến Nga gặp thất bại, song an ninh chiến lược lại là một vấn đề khác. Cựu lãnh đạo Nga gọi lập luận này là “sai lầm tồi tệ của người Mỹ”.
Ông Medvedev cũng bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Mỹ không có ý định và sẽ không tấn công Nga, đồng thời kêu gọi Moskva chấm dứt xung đột Ukraine bằng cách rút quân khỏi vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền. Ông cho rằng tuyên bố này “không trung thực và vô nghĩa” khi Mỹ vẫn là quốc gia có lập trường thù địch với Nga.
Theo cựu Tổng thống Nga, Mỹ có thể chấm dứt tình trạng đối đầu ở Ukraine.
“Nếu Nga ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt mà không giành được chiến thắng, thì sẽ không còn nước Nga, bởi đơn giản, đất nước sẽ bị chia cắt. Nếu Mỹ ngừng gửi vũ khí cho chính quyền Kiev, chiến tranh sẽ kết thúc”, ông Medvedev nhấn mạnh.
Các quan chức Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của nước này và các vùng lãnh thổ sáp nhập bằng mọi biện pháp có thể, kể cả vũ khí hạt nhân. Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và đồng minh, hoặc khi sự tồn tại của Nga bị đe dọa.
Về phần mình, phương Tây bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên chiến trường Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục đối mặt với tổn thất quân sự sau các cuộc giao tranh với lực lượng Ukraine.