Những ngày qua, việc tặng, cho và cho mượn xe ô tô giữa một bên là quan chức, cơ quan Nhà nước với một bên là người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm nhiều.
Đó là chiếc Lexus ông Trịnh Xuân Thanh mượn bạn, chiếc Mercedes-Benz E250 Bộ Công thương mượn của Halico và gần đây nhất là 2 chiếc Toyota Lancruiser VX do doanh nghiệp tặng tỉnh Ninh Bình... Đây đều là những chiếc xe ô tô sang trọng có giá trị hàng tỉ đồng.
Bên hành lang Quốc hội, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Dương Trung Quốc về vấn đề tặng, cho, cho mượn giữa hai phía chủ thể này.
PV: Ông nghĩ như thế nào về việc cho tặng, mượn xe giữa một bên là quan chức, cơ quan Nhà nước và một bên là người dân, doanh nghiệp đã được các cơ quan báo chí nêu lên trong thời gian qua?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng trong xã hội tương đối phức tạp và đa dạng hiện nay, mọi biến thái của các hiện tượng tiêu cực có thể nấp sau những hiện tượng danh nghĩa hết sức chính đáng, thiện nguyện. Vì thế phải đi vào cụ thể từng vụ việc.
Về nguyên tắc, Nhà nước biến một tài sản thành công sản thì tài sản đó phải có nguồn gốc cụ thể, rõ ràng chứ không phải tài sản nào cũng có thể trở thành công sản, vật nào được hiến tặng cũng nhận cả.
Tôi lấy ví dụ hơi xa một chút: Trong di tích lịch sử, có hiện tượng nhiều nhiều người hiến tặng vật cúng tế. Nhưng chính điều đó đã phá hỏng di tích bởi có những thứ không phù hợp.
Với việc người dân hoặc doanh nghiệp tặng quà cho quan chức hay cơ quan Nhà nước, chúng ta phải đi vào phân tích từng trường hợp.
Nếu như tặng cho những cơ sở để nâng cao an sinh xã hội như tặng xe cứu thương, tặng những thiết bị y tế, thiết bị trường học thì tôi nghĩ là rất đáng hoan nghênh. Nhưng tất cả phải minh bạch.
Nếu là tặng cho các cơ quan Nhà nước để sử dụng vào công việc thì tôi cho là không đúng vì tất cả đã có quy định rồi. Cấp nào sử dụng xe nào thì đã có quy định. Còn nếu thiếu, việc tặng cho Nhà nước, tôi hiểu nghĩa là cơ quan quản lý chung sẽ phân phối cho những nơi cần thiết trong điều kiện Nhà nước còn thiếu thốn.
Nếu quan hệ trực tiếp giữa các cá nhân, quan hệ giữa doanh nghiệp với địa phương, chắc chắn đằng sau đó có những lợi ích khác.
Chiếc Lexus mà ông Trịnh Xuân Thanh nói "mượn" của người khác (Ảnh: Tuổi trẻ)
PV: Nhưng một địa phương mới đây được tặng xe đã khẳng định là sẽ không có ưu ái riêng cho doanh nghiệp tặng xe...
Ông Dương Trung Quốc: Điều đó không ai có thể đảm bảo cả. Dù nói như vậy nhưng dư luận vẫn có quyền bày tỏ nghi ngờ.
PV: Việc cấp, chức vụ được sử dụng những xe có giá trị như thế nào đã được quy định. Với những chiếc xe có giá trị nhiều tỉ đồng, dù được cho là để thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão lụt, cứu nạn cứu hộ nhưng suy cho cùng vẫn là do các cán bộ sử dụng. Vậy việc này cần được nhìn dưới góc độ như thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: Nếu đã là sự hiến tặng thì cũng có quyền của người hiến tặng. Vấn đề là người sử dụng, sử dụng như thế nào và lý do gì để sử dụng tài sản là quà tặng đó.
Đề phòng hơn là để xảy ra rồi mới khắc phục, cách tốt nhất là minh bạch chuyện đó ra. Người ta tặng sản phẩm đó thì báo cáo Nhà nước và việc sử dụng như thế nào thì HĐND sẽ giám sát. Tôi tin là HĐND thay mặt cho những người dân, họ sẽ giám sát một cách nghiêm túc mà vẫn thể hiện được sự trân trọng việc hiến tặng.
PV: Còn việc quan chức, cơ quan Nhà nước mượn xe của người dân, doanh nghiệp, ông nghĩ như thế nào?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho là không nên mượn xe. Mượn xe là thiếu tự trọng, nhất là đang thời bình. Nếu không đủ tiêu chuẩn thì đừng có dùng, Nhà nước không đủ thì phải chấp nhận chứ không đi mượn (kể cả mượn của người dân hay doanh nghiệp).
PV: Nhưng nếu việc cho mượn đó là tự nguyện, không có ý đồ hay sự mưu lợi nào, thưa ông?
Ông Dương Trung Quốc: Không, không có người dân nào tự nguyện cho mượn cả nếu không có mục đích đằng sau.
PV: Trên thế giới, một số nước đã có quy định về việc nhận tài sản cho tặng, ở giá trị nào thì được nhận, giá trị nào thì phải sung công. Ông có nghĩ Việt Nam cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này?
Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho là nên như thế cho rõ ràng. Tôi chứng kiến nhiều vị khi đi tặng quà cho người khác, cho đối tác của mình thì dùng tiền ngân sách. Nhưng khi nhận quà người khác đưa cho thì biến thành của mình. Thực chất đó là một sự lạm dụng công quỹ.
Từ vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, tôi nghĩ các vị cán bộ khác cần phải rút kinh nghiệm, phải tránh để không ảnh hưởng đến hình tượng người cán bộ trong con mắt nhân dân.
Xin cám ơn ông.
Chia sẻ với chúng tôi, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, vấn đề tặng xe là vấn đề rất tế nhị. Tế nhị ở chỗ, khi người ta tặng, ở khía cạnh nào đó, nó thể hiện thiện chí và tình cảm của người tặng.
Nếu khước từ, không nhận thì có thể về mặt tình cảm cũng có thể không hay. Nhưng ở khía cạnh khác, chúng ta phải thấy, doanh nghiệp phải hướng đến lợi ích, hiệu quả, lợi nhuận.
Có lẽ người ta sẽ không tặng không chỉ vì mục đích tình cảm, thể hiện thiện chí mà chắc chắn là cũng có những tính toán trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh ở địa phương.
ĐBQH Phạm Tất Thắng (Ảnh: Tuấn Nam)
"Chúng ta cũng chưa có những quy định cụ thể để áp dụng cho tính chất sự việc người dân, doanh nghiệp tặng quà tặng cho cơ quan nhà nước: về định mức của quà tặng, việc thu nhận và sử dụng quà tặng đó như thế nào.
Tôi cho đó là bài toán khó và cần phải tính toán trong từng trường hợp cụ thể. Nếu nhận thì có thể có cam kết hay có yêu cầu nào đó phía sau của bên cho tặng đưa ra", ông Phạm Tất Thắng nói.
Trước vấn đề chiếc xe có giá trị cao, theo cấp bậc quy định, ở tỉnh không ai được dùng chiếc xe đó và nó được dùng vào mục đích thực hiện các nhiệm vụ rất quan trọng như phòng chống bão lụt, cứu nạn cứu hộ nhưng vẫn là do các cán bộ sử dụng, ông Thắng nói: "Nếu không dùng với tư cách xe riêng mà dùng với mục đích xe công vụ chung thì được".
Còn về việc cá nhân hoặc doanh nghiệp cho cán bộ hoặc cơ quan nhà nước mượn xe, vị ĐBQH này cho rằng, khó có thể có sự vô tư hoàn toàn vì đó là những tài sản rất lớn và phải có quan hệ như thế nào thì mới cho mượn.
Thêm nữa, đó cũng không phải là sự giúp đỡ mang tính thiết yếu (điều kiện thiết yếu mang tính bắt buộc cho công việc, cho cuộc sống).