Bà Inger Andersen, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc - Ảnh: LIÊN HIỆP QUỐC
Nhân Hội nghị lần thứ 15 các quốc gia tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) tổ chức ở Montréal, Canada từ ngày 7 đến 19-12, bà Andersen nói: "Chúng ta vừa chào đón thành viên thứ 8 tỉ của loài người trên hành tinh này.
Tất nhiên, đó là một sự ra đời tuyệt vời của một em bé. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng càng có nhiều người, chúng ta càng đặt Trái đất dưới áp lực nặng nề".
Bà Andersen cũng nhấn mạnh văn bản cuối cùng của bất kỳ thỏa thuận nào tại COP15 cũng phải giải quyết những vấn nạn dẫn đến ngày tận thế của đa dạng sinh học, như thay đổi sử dụng đất; khai thác quá mức; ô nhiễm, khủng hoảng khí hậu, và sự lây lan của các loài xâm lấn.
Dự kiến sẽ có hơn 10.000 đại biểu tham gia tại COP15 và các bộ trưởng sẽ đến vào tuần thứ hai của tháng này để giúp hoàn thành văn bản thỏa thuận.
Trong số các kiến nghị gửi đến COP15 có đề xuất bảo vệ 30% diện tích đất và biển, và tái sử dụng hàng tỉ USD trợ cấp để giải quyết các vấn nạn đe dọa đa dạng sinh học.
Cao ủy của Liên minh châu Âu phụ trách môi trường, đại dương và nghề cá - ông Virginijus Sinkevicus nói với báo Guardian rằng nếu các chính phủ muốn đạt được một thỏa thuận cuối cùng đầy tham vọng, Trung Quốc phải thể hiện vai trò lãnh đạo trong các cuộc đàm phán.
Trung Quốc, quốc gia đang giữ chức chủ tịch COP15, là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, mặc dù Canada, Mỹ và Úc có lượng khí thải CO2 bình quân đầu người cao hơn nhiều.
Đây sẽ là lần đầu tiên Bắc Kinh đi đầu trong một thỏa thuận môi trường lớn của Liên Hiệp Quốc, và cũng là cơ hội để Trung Quốc thể hiện "nền văn minh sinh thái" của mình với thế giới, mục tiêu chiến lược trong chương trình nghị sự đối nội của Chủ tịch Tập Cận Bình.