Mỹ hủy cơ chế đặc biệt, quan chức Hồng Kông nói "không sợ!"

Thi Anh |

Quyết định thu hồi các quy chế đặc biệt cho Hồng Kông của Mỹ sẽ "ảnh hưởng rất ít" tới nền kinh tế của Hong Kong, quan chức tài chính nhận định.

"Ảnh hưởng rất ít"

Quyết định thu hồi các quy chế đặc biệt cho Hồng Kông của Mỹ sẽ "ảnh hưởng rất ít" tới nền kinh tế của Hồng Kông, người đứng đầu cơ quan tài chính Hồng Kông Paul Chan Mo-po nhận định. 

Ông Paul Chan cho biết, Hồng Kông đã có kinh nghiệm xử lý các thách thức tài chính, dự tính chịu tác động tiêu cực từ xung đột thương mại Mỹ-Trung và không có gì phải sợ hãi. 

Trước động thái của Mỹ đối với Hồng Kông và tình trạng hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, ông Paul Chan cho rằng Hồng Kông nên tập trung củng cố quan hệ với các đối tác thương mại khác, gồm các nước châu Âu và Nhật Bản, những bên có thể cung cấp phương án thay thế cho sản phẩm từ Mỹ. 

Theo SCMP, ông Paul Chan đã đưa ra nhận định như vậy trong cuộc phỏng vấn với Hoàn Cầu, chỉ vài giờ trước khi ông Trump ra thông báo chính thức về việc Mỹ bắt đầu hủy bỏ các chính sách miễn trừ đặc biệt với Hồng Kông. 

Trước đó, trong bối cảnh Bắc Kinh quyết định thảo luật an ninh quốc gia "đo ni đóng giày" cho Hồng Kông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thẳng thừng nói rằng, Hồng Kông không còn duy trì được mức độ tự chủ cao nữa. 

"Chúng tôi có sự tự tin và kinh nghiệm đối đầu thách thức"

Ông Chan cho hay, các sản phẩm Hồng Kông sản xuất để phục vụ xuất khẩu sang Mỹ "chiếm chưa đầy 2% tổng sản lượng sản xuất của Hồng Kông", trị giá ở vào khoảng 3,7 tỉ đô-la Hồng Kông và chiếm chưa đầy 0,1% tổng lượng xuất khẩu của Hồng Kông. 

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho tất cả các viễn cảnh khác", ông Chan nói. 

Người đứng đầu cơ quan tài chính Hồng Kông cũng tái khẳng định lập trường của chính quyền Hồng Kông rằng vị thế của Hồng Kông như một đặc khu hành chính được lưu giữ trong Luật Cơ bản, vốn có hiệu lực kể từ khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997. 

Đề cập tới Tổ chức Thương mại Thế giới, ông Chan cho biết: "Luật cho phép Hồng Kông tham gia WTO là Hồng Kông, Trung Quốc, cho thấy khu vực thuế quan độc lập của Hồng Kông được Trung Quốc công nhận, chứ không phải bất cứ quốc gia bên ngoài nào". 

Ông Chan tin rằng các biện pháp do Mỹ áp đặt sẽ không tác động nhiều bởi nền kinh tế của Hồng Kông chủ yếu phụ thuộc vào ngành dịch vụ.

Ông Chan cũng đảm bảo với khu vực kinh doanh của Hồng Kông rằng luật an ninh quốc gia đề xuất sẽ không ảnh hưởng tới việc kiểm soát trao đổi ngoại tệ và dòng vốn. 

"Khi trao đổi với các đại diện kinh doanh nước ngoài hồi năm ngoái, nhiều người bày tỏ những lo ngại về môi trường đầu tư của Hồng Kông: An ninh của Hồng Kông, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc biểu tình bạo lực", ông Chan nói. 

Về các nhà đầu tư nước ngoài, ông Chan nói: "Miễn là các nhà đầu tư nước ngoài không tham gia vào những hoạt động liên quan tới các vấn đề an ninh quốc gia thì họ chẳng có gì phải lo lắng".

"Hai năm trước, khi mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung khởi phát, Hồng Kông đã nghiên cứu tình hình, dự đoán rằng tình trạng đối đầu có thể lan từ thương mại sang các khu vực khác, nhiều khả năng là tài chính. Chúng tôi đã chuẩn bị cho tình huống ấy", ông Chan nhấn mạnh.

"Chúng tôi có sự tự tin và kinh nghiệm giải quyết các thách thức bởi thị trường tài chính ở Hồng Kông đã trải qua rất nhiều vấn đề", ông Chan nói, "Chúng tôi không có gì phải sợ hãi".

Hồng Kông vốn có "vị thế đặc biệt" như một vùng thuế quan riêng biệt, có trạng thái không đánh thuế đối với một số đối tác thương mại. Kể từ năm 1997, Hồng Kông duy trì trạng thái không đánh thuế hoặc thuế ở mức thấp với Mỹ. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại