Tồn tại được hơn 60 năm, chè Hiển Khánh không có nhiều thay đổi, vẫn là một nơi bình yên để thực khách thưởng thức những món chè bình dị, nhưng đậm nét xưa cũ giữa một thành phố tấp nập.
Chè Hiển Khánh ghi điểm trong lòng thực khách trước tiên là ở những món ăn. Không có gì quá mới lạ, đó điều là những món chè Việt Nam quen thuộc như sâm bổ lượng, chè đậu xanh... Nhưng điều đặc biệt ở nơi đây là hương vị mà không nơi nào có được.
Chè giản dị, giá hợp lý và không gian hoài niệm
Chè Hiển Khánh mở cửa từ 9 giờ đến đến 12 giờ 30, buổi chiều từ 14 giờ 30 đến 22 giờ. Để có đủ món phục vụ, chủ quán phải chuẩn bị từ lúc 7 giờ sáng.
Cô chủ quán Nguyễn Thị Nguyệt Minh (64 tuổi), là đời thứ hai trong việc duy trì quán. Cô cho biết hai món đặc trưng nhất của quán là thạch xanh và thạch trắng, sau này quán mới phát triển thành nhiều món mới như hiện nay. Hiển Khánh, tên của quán là tên một xã thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Những món bánh phục vụ ở quán cũng chủ yếu là bánh vùng miền Bắc.
Để giữ được hương vị qua nhiều năm, quán chỉ dùng nước ướp hoa nhài để tạo mùi thơm thoang thoảng, gây "nghiện" cho thực khách. Vì thế chè ở đây không quá ngọt, chỉ là hương vị ngọt thanh nhẹ nhàng, đơn giản, không có quá nhiều sự kết hợp cầu kỳ.
Chị Trinh (35 tuổi) cho biết chồng mình thích nhất ăn món thạch xanh (đậu xanh được nấu dẻo ướp với hoa nhài) ở đây nhất vì nó thơm và khác biệt hẳn với những nơi khác.
Chè mát lạnh ăn kèm những món bánh như phu thê, đậu xanh... là một sự kết hợp hoàn hảo, hài hòa giữa các mùi vị ngọt, béo, bùi. Thực khách đến quán còn được phục vụ trà Bắc miễn phí để hòa quyện các mùi vị.
Giá cả cho một ly chè ở đây chỉ dao động từ 20 - 30 ngàn. Chủ quán cho hay, quán vẫn giữ nguyên giá trên menu từ 3 năm trước, mặc dù nguyên liệu liên tục tăng vùn vụt.
Không gian của quán chè cũng là một trong những điều đặc biệt khi người ta nhắc về quán chè này. Tất cả những chữ viết ở menu hay những bức tranh treo tường, ở biển quảng cáo đều là chữ được cô chủ thuê viết tay theo phong cách thập niên 90.
Những tấm biển, bức tranh đều được thay đổi để mới hơn, nhưng những câu thơ lục bát đặc sắc trên tường thì luôn phải giữ nguyên vì đó là những câu thơ mà đời trước sáng tác và truyền lại, cũng là tôn chỉ hoạt động của quán, luôn đặt chất lượng của món ăn lên đầu để lấy được tiếng thơm thảo.
Khách hàng có thể nhận ra những vật dụng rất quen thuộc, dường như chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người thế hệ trước như bàn kính có khăn trải bàn phía dưới, chiếc ghế đẩu hay ly thủy tinh uống trà đặc trưng. Tất cả những điều đó tạo cho thực khách một không gian vô cùng hoài niệm.
Khách Việt kiều lần nào về nước cũng nhất định phải ghé
Mỗi vị khách đến quán đều có một món yêu thích riêng, vì theo chị Quyên (47 tuổi): "Chè ở quán này mỗi nào cũng ngon nên không chọn được món ngon nhất". Có người cho rằng sâm bổ lượng là ngon nhất, cũng có người chọn chè thập cẩm là món ưa thích.
Chị Quyên là một vị khách Việt kiều từ Canada, lần nào về nước cũng nhất định ghé quán chè này. Chị chia sẻ: "Chị ăn ở đây từ lâu rồi. Từ hồi mẹ còn dắt chị đến ăn, sau này chị dắt con gái đến ăn. Ở đây món nào chị cũng thích hết. Mỗi lần về chị ăn một món khác nhau. Quán này lâu năm nên chị rất tin tưởng!"
Khách đến quán chè Hiển Khánh không quá đông, luôn cho bàn trống cho những người mới đến vì khách đến đây chủ yếu là khách quen. Quán không quá đông nhưng cô chủ không lúc nào ngưng tay và luôn cần người hỗ trợ, là bởi khách mua về rất nhiều.
Cô Minh Nguyệt cho biết, trong tương lai quán sẽ không sáng tạo thêm món mới, một phần vì khách đã quen với những món ăn dân dã, phần vì gia đình neo người, không đủ sức để làm thêm. Cô cho biết, nếu con gái cô chịu kế nghiệp thì đây sẽ là đời thứ ba.
Người ta tìm đến chè Hiển Khánh không bởi vì sự đổi mới hay chạy theo thời, họ đến đây để tìm được hương vị ngày xưa. Giữa hàng ngày quán chè mới với những công thức độc lạ nổi lên như nấm, quán chè của cô Nguyệt vẫn giữ được vị trí trong lòng những người yêu thức quà ngọt ngào này.