Lần nọ có một vị khách Tây vào quán ăn bánh xèo thì vô tình được nghe cô Tuyết ngân nga mấy bản nhạc tình, thế là vị khách nọ liền đem 20.000 đồng bỏ vào thùng tiền như một cách để bày tỏ sự ngưỡng mộ giọng hát của "ca sĩ".
Cô cười ái ngại vì chỉ hát cho vui trong lúc rảnh rỗi chứ có nào phải hát phục vụ khách, nhưng đó là một kỷ niệm đáng nhớ trong "sự nghiệp ca hát" của cô chủ quán vui tính này.
Cô Lưu Thị Bạch Tuyết (53 tuổi) chủ quán bánh xèo "văn nghệ" ở chợ Gò Vấp.
Anh đàn, em hát bên lò bánh xèo nóng hổi ở Sài Gòn
Bên lò bánh xèo nóng hổi, giữa những âm thanh xô bồ của ngôi chợ cũ, tiếng hát trầm ấm của cô Tuyết đã kéo chúng tôi về với những cảm xúc rất cũ xưa của những ngày đã qua:
"Em còn nhớ hay em đã quên/ Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng/ Nhớ phố xưa quen viết tên bàn chân/ Nhớ đèn đường từng đêm thao thức/ Sáng cho em vòm lá me xanh..."
Nằm sâu trong chợ Gò Vấp hơn 20 năm qua quán bánh xèo, bánh cóng của cô Bạch Tuyết (53 tuổi) đã làm say mê không biết bao nhiêu thực khách ở đất Sài Gòn này.
Quán cô Tuyết nổi tiếng nhất là bánh xèo và bánh cóng, vàng ươm và giòn rụm, nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả chính là tình yêu âm nhạc của cô chủ quán.
Không phải ngẫu nhiên mà cô chủ quán vui tính này được mệnh danh là "Khánh Ly của chợ Gò Vấp", vì cứ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi cô Tuyết lại đắm mình vào những tình khúc xưa hay những bản bolero trữ tình.
Hơn 20 năm qua quán cô Tuyết luôn tấp nập thực khách.
Cô cười bảo: "Hát hay không bằng hay hát. Cô thì thích hát, còn anh cô thì thích đàn, thế nên cứ có thời gian là hai anh em lại lôi đàn ra hát ngân nga để quên đi những mệt mỏi. Chứ con nghĩ coi ngồi bên bếp lửa từ 1h trưa tới 9h tối, đuối lắm chứ bộ, nhất là những ngày Sài Gòn nắng đổ lửa".
Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi cô và người anh lại đem đàn ra hát cho đỡ buồn, vì thế mà quán được thực khách thân thương gọi là quán bánh xèo văn nghệ.
Cô Tuyết mê mẩn những bản tình ca của Ngô Thuỵ Miên, những ca khúc thấm đẫm triết lý của Trịnh Công Sơn, cô bảo nhạc trẻ bây giờ không theo kịp.
Ban đầu cô chỉ hát khi có thời gian rảnh rỗi, nhưng dạo gần đây gặp gỡ được nhiều bạn bè cùng đam mê, nên nhóm hát thường gặp nhau một tuần 3 lần để giao lưu. Sau giờ làm việc vất vả, đó là khoảng thời gian để mọi người quên đi tất cả những lo âu.
Chú Đông là anh trai của cô Tuyết, mỗi khi phiền muộn chú đều tìm đến âm nhạc.
Không bao giờ chùn bước trước khó khăn
"Hồi cô lên 2 tuổi thì bị sốt bại liệt, khiến tay trái và chân phải bị yếu không thể hoạt động bình thường. Thế nhưng cô không bao giờ buông xuôi số phận, cô làm rất nhiều việc để kiếm sống. Hồi mới bắt đầu bán bánh xèo, không ai bày vẽ hay chỉ dạy, cô tự mày mò công thức.
Ban đầu bánh không ngon, rồi khách góp ý nên cô chỉnh dần dần đến giờ thì ngon hơn nên khách mới ủng hộ đông như vậy" - cô Tuyết tâm sự.
Cô Tuyết tự mày mò công thức làm bánh.
Bánh xèo vàng ươm và giòn rụn khiến ai cũng mê mẩn.
Ngoài ra còn món bánh khọt rất ngon.
Quán mở bán từ 1h trưa đến 9h tối, cao điểm đông khách là tầm 5h chiều. Đa số mọi người đều rất thích món bánh xèo và đặc biệt là bánh cóng ở đây vì 2 điểm.
Thứ nhất là ở quán cô Tuyết, rau luôn được rửa rất kỹ, thực khách có thể xin thêm rau và bánh tráng bao nhiêu cũng được. Thứ hai là bánh cóng ở quán đặc biệt hơn bản gốc.
Bánh cóng có phần nhân pate độc đáo, được chế biến khá cầu kỳ, đầu tiên là đổ bánh phải cho vào một ít đậu và khoai trộn sẵn, sau đó sẽ cho một ít bột.
Tiếp theo cho thêm nhân pate vào khuôn bánh và lại cho hỗn hợp đậu khoai, bột. Cuối cùng là sắp lên mặt bánh vài ba con tôm tươi vẫn còn râu dài và cho vào lò chiên chín.
Món bánh của cô được chế biến công phu và kỹ lưỡng.
Không những vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để giúp gia đình có một cuộc sống khá giả hơn, cô Tuyết còn giúp nhiều nhân viên của mình vươn lên trong cuộc sống. Bếp chính hiện tại của quán là một cô gái nghèo đến từ Quảng Bình, vì di chứng chất độc dioxin nên cô mang một số dị tật.
Cô Tuyết nói nhỏ với tôi: "Con đừng nhắc đến chuyện đó với em ấy nhé, sợ nó tủi thân. Không phát triển như mọi người, nhưng con bé chăm chỉ lắm đó, từ hồi về làm với cô rất là chịu khó, làm rồi để dành tiền gửi về quê cho cha mẹ, giỏi lắm đó con. Cô thương lắm!".
Bếp chính của quán là một cô gái khuyết tật nhưng rất giỏi giang.
Cô Tuyết có 2 người con trai, một cậu đã năm 4 đại học, một cậu thì chuẩn bị lên lớp 4. Mỗi khi nhắc đến gia đình đặc biệt là về chồng, cô Tuyết luôn dành những tình cảm đẹp nhất cho họ.
"Chồng cô hiền lắm. Hồi chú làm quen cô, cô đâu dám vì nghĩ mình dân lao động học thấp, còn người ta thì học cao hiểu rộng làm sao đến với nhau được. Vậy mà duyên nợ cũng đến với nhau.
Cứ tưởng chỉ thương lúc mới quen nhau, ai dè mấy chục năm trời chú vẫn cứ thương cô y chang như ngày đầu. Gặp được chú là may mắn của cuộc đời cô".
Chồng cô Tuyết hiện đang làm ở một công ty lớn của nước ngoài, dù khá bận rộn nhưng mỗi khi có thời gian chú lại ra quán phụ cô buôn bán.
Làm việc vất vả nhưng chưa bao giờ than vãn bởi tình yêu thương gia đình lúc nào cũng đủ lớn để cô vượt qua tất cả, và hơn hết cô còn người bạn tri kỷ mỗi khi cuộc sống quá bộn bề.
Tôi khen cô hát hay quá, cô cười lớn: "Cô hát cho vui thôi, nếu hát hay thì đã đi làm ca sĩ rồi, chớ đâu đi bán bánh xèo". Thế nhưng tôi vẫn rất thích nghe cô Tuyết hát ngay tại cái quán nhỏ này, giữa những ồn ào của Sài Gòn, có lẽ những tình ca muôn thuở luôn đẹp nhất khi nó bình dân nhất.
"Em có nghe mùa thu mưa bay gió nhẹ/ Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương/ Và em có nghe khi mùa thu tới/ Mang ái ân mang tình yêu tới/ Em có nghe nghe mùa thu nói mình yêu nhau nhé...".