Châu Âu hứng chịu mùa Đông kỳ dị
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, một khối không khí lạnh từ vùng Siberia được mệnh danh là "Quái vật từ phía Đông" (Beast from the East) đã khiến nền nhiệt khắp châu Âu từ ngày 26/2 giảm xuống mức thấp kỷ lục trong mùa Đông năm 2018, thậm chí, khối lạnh này còn khiến thủ đô Rome của Ý chìm trong bão tuyết hiếm hoi.
Theo dữ liệu của WMO, khối không khí lạnh đang dần bao trùm khắp Âu châu khiến nền nhiệt phổ biến ở mức dưới 0 độ C, thậm chí, mức nhiệt lạnh giá này còn xâm nhập xuống cả vùng Nam Âu ấm áp. Một số khu vực còn lạnh ngang khu vực Vòng Bắc Cực (Arctic Circle).
Thủ đô Rome của Ý đang trải qua trận tuyết rơi kỷ lục trong hàng chục năm. Không khí lạnh cộng với gió, tuyết khiến nhiệt độ tại đỉnh núi cao nhất của Đức giảm sâu xuống -27 độ C. Trong khi đó, trung tâm khí tượng của Anh cảnh báo, từ nay đến cuối tuần này, Anh có thể phải hứng chịu trận bão tuyết lớn.
Ảnh: Alessandro Di Meo/European Pressphoto Agency
Hiện tượng thời tiết kỳ dị: "Bắc Cực ấm lên, lục địa lại lạnh giá" - Nguyên nhân đến từ đâu?
Đó là nhận định của Giáo sư Lars Kaleschke thuộc trường Đại học Hamburg (Đức). "Thời tiết ngày càng khắc nghiệt và mức độ kỳ dị của nó ngày càng nhiều. Vấn đề là con người phải hứng chịu nó thường xuyên như thế nào thôi", ông Lars Kaleschke nói thêm.
Giải quyết vấn đề trong nhận định của Giáo sư Lars Kaleschke:
1. Bắc Cực ngày càng ấm lên
Các nhà khoa học cho biết, hệ quả rõ ràng của việc Bắc Cực ấm dần lên (mà phần lớn nguyên nhân đến từ hiện tượng ấm lên toàn cầu do hoạt động sản xuất và sinh sống của con người gây nên) là tạo nên các khối không khí lạnh khổng lồ từ phía Bắc tràn xuống khắp châu Âu.
Bằng chứng: Những biển băng tạo Bắc Cực đang âm thầm tan chảy do hiện tượng ấm lên toàn cầu: Tính đến cuối tháng 2/2018, khoảng 1 triệu km vuông băng tại Bắc Cực đã tan chảy thành nước; nhiệt độ tại đây chỉ còn mức -8 độ C, cao hơn 20 độ C so với bình thường.
2. Vậy tại sao châu Âu lại lạnh đi?
Các nhà khoa học giải thích rằng, việc băng Bắc Cực tan chảy (do ấm lên toàn cầu) đã sinh ra những dòng nước ấm hơn, do đó, giải phóng nhiệt cao hơn ra khí quyển.
Điều này dẫn đến sự phân tách của xoáy cực bắc, khiến cho dòng không khí lạnh thì thâm nhập xuống miền nam, còn không khí nóng hơn thì hướng về phía bắc. Do đó, châu Âu đang phải hứng chịu những khối không khí lạnh bất thường và khắc nghiệt.
Theo dữ liệu của các nhà khoa học, chỉ tính riêng năm 2018, tại khu vực phía bắc Greenland ghi nhận tổng 61 giờ nhiệt độ duy trì trên mức đóng băng.
Trong khi đó, các quốc gia thuộc châu Âu như Anh, Đức, Ý... đang phải trải qua mùa đông khắc nghiệt với những trận tuyết rơi kỷ lục và nhiệt độ giảm rất sâu. Đó là lý do, người ta gọi nó là "Quái vật từ phía Đông" .
Tại Ý, tuyết rơi là điều rất hiếm. Nếu không tính trận tuyết hôm 26/2/2018, thì trận tuyết cuối cùng xảy ra vào năm 2012, sau 30 năm gián đoạn kể từ năm 1982.
Bộ ảnh Rome chìm trong trận tuyết kỷ lục:
Một góc Rome chìm trong tuyết trắng. Ảnh chụp ngày 26/2. Nguồn: Angelo Carconi/EPA-EFE/REX/Shutterstock
Tuyết ngập trắng xóa quảng trường Saint Peter của Vatican. Ảnh: Reuters/Max Rossi
Ảnh: Max Rossi/Reuters
Khung cảnh bên ngoài Đấu trường Colosseum, Ý. Ảnh: Reuters/Alberto Lingria
Xe cộ, đường phố, cây cối ở Rome, Ý chìm trong tuyết trắng. Ảnh: Luciano del Castillo/EPA-EFE/REX/Shutterstock
Vùng Vòng Bắc Cực (màu đỏ). Nguồn: Wikipedia
Bài viết sử dụng nguồn: Washingtonpost, ABC