Sinh vật huyền thoại trong truyền thuyết
Yeti, dịch theo ngôn ngữ địa phương có nghĩa là "Người tuyết", là một sinh vật huyền bí, khổng lồ và được cho là sống tại khu vực dãy núi Himalaya lạnh giá và một vài vùng núi phương Bắc. Theo miêu tả, Yeti tại khu vực núi Himalaya của cao nguyên Tây Tạng, Nepal và Bhutan. Sinh vật này mang hình dáng giống vượn, to lớn hơn người thường, có chiều cao tới 2 mét.
Câu truyện về Yeti được truyền bá đến phương Tây vào thế kỷ 19. Nhiều đồn đoán được dấy lên rằng, Yeti chính là tổ tiên của loài người.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nó có thể là thành viên còn sống sót của một loài người đã tuyệt chủng, sống lẩn khuất mà khoa học vẫn chưa biết tới. Trong suốt thế kỷ 20, các thợ săn, nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu đến từ trời Tây đã sục sạo khắp dãy núi Himalaya để tìm kiếm sinh vật bí ẩn này.
Năm 1951, nhà leo núi người Anh Eric Shipton đã chụp được hàng dấu chân khổng lồ trên tuyết tại Everest và được cho là những bằng chứng cho thấy Yeti có tồn tại. Sau đó, người ta lại tiếp tục truy tìm và phát hiện thấy nhiều mẫu lông, xương, răng, da tại khu vực núi cao Himalaya. Những mẫu vật này được coi là bằng chứng then chốt để giải mã sự tồn tại của người tuyết hiếm gặp ở châu Á.
Sự thực về con quái vật huyền thoại
Từ những mẫu vật tìm thấy, trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã dày công tiến hành nghiên cứu. Thế nhưng, mọi kết quả đều chỉ ra rằng, đây nhiều khả năng chỉ là một loài gấu sống tại Himalaya mà thôi. Các nghiên cứu đều đưa ra nhận định cho thấy đây là một chủng gấu lớn, nhưng vẫn bị nhiều nhà chuyên môn bác bỏ. Bí mật về Yeti tưởng chừng sẽ lại bị lãng quên một lần nữa.
Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Buffalo, New York, Hoa Kỳ đã tiến hành phân tích ADN từ các mẫu vật nổi tiếng nhất được cho là của Yeti. Kết quả họ thu được có tới 8 mẫu vật được phát hiện ở núi Himalaya đều có nguồn gốc từ gấu nâu. Chỉ có một mẫu vật duy nhất là của loài chó.
Do đó, các nhà nghiên cứu càng tin tưởng rằng, sự tồn tại của người tuyết khổng lồ Yeti thực chất chỉ là một loài gấu nâu Himalaya, không phải vượn, cũng không phải người, càng không phải tổ tiên của con người, như những nhầm tưởng trong suốt nhiều thế kỷ qua.
Tiến sĩ Charlotte Lindqvist, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết rằng kết quả nghiên cứu của họ đều chỉ ra những bằng chứng sinh học của Yeti đều thuộc về những con gấu trong khu vực.
Để có được kết quả này, các chuyên gia đã so sánh các ADN thu được với mẫu gene của 23 con gấu châu Á được lưu trữ trong kho dữ liệu thế giới. Kết quả đồng thời cho thấy, loài gấu nâu Tây Tạng có chung một tổ tiên với gấu nâu Bắc Mỹ và gấu Á - Âu.Trong khi đó, gấu nâu Himalaya lại thuộc một nhánh khác, tách ra sớm hơn so với tất cả các loài gấu còn lại. Sự tách rời này xảy ra vào khoảng 650 nghìn năm trước khi kỷ Băng Hà xảy ra.
Nhóm nhà khoa học nhấn mạnh thêm, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên phanh phui bí ẩn về người tuyết, nhưng nghiên cứu này được cung cấp đầy đủ nhất các bằng chứng về gen, thu được từ các mẫu xương, răng, da, lông và phân từng được cho là thuộc về sinh vật huyền bí.