Được xem là một trong 4 "quả bom hẹn giờ" khủng khiếp nhất trên Trái Đất, siêu núi lửa Yellowstone ở bang Wyoming, miền bắc nước Mỹ có thể khiến gần như cả nước Mỹ bị đe dọa nặng nề và khiến khí hậu toàn cầu bị thay đổi nếu nó thức giấc.
(Xem thêm về hậu quả mà siêu núi lửa đáng sợ này có thể gây ra cho con người nếu tỉnh giấc, tại đây.)
Những "chùm động đất" với tần suất lớn xuất hiện ở khu vực siêu núi lửa
Siêu núi lửa Yellowstone là 1 trong 4 quả bom hẹn giờ của Trái Đất. Ảnh: Internet.
Những lần phun trào gần đây nhất của siêu núi lửa này là 2 triệu năm, 1,2 triệu năm và 640.000 năm. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học lo sợ nhất là núi lửa này có thể hoạt động trong tương lai không xa vì những tác động địa chất gần đây: Động đất!
Dù khoảng thời gian hoạt động của Yellowstone trước kia cách xa nhau hàng trăm ngàn năm, nhưng không có gì đảm bảo rằng núi lửa này sẽ tiếp tục ngủ yên trước tác động của hoạt động địa chất.
Chỉ trong 2 tuần kể từ tháng 6, siêu núi lửa này chịu tác động của 878 cơn động đất lớn nhỏ theo ghi nhận của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (United States Geological Survey hay viết tắt là USGS) với mật độ dày đặc mà các chuyên gia đặt tên là earthquake swarm (tạm dịch: chùm động đất).
Hơn nữa, tần suất trong 1 tuần của những cơn động đất bắt đầu từ 12/6 đạt tới mức kỷ lục là 464 trận động đất! USGS cho biết đây là tần suất động đất cao nhất được ghi nhận chỉ trong một tuần tại khu vực núi lửa Yellowstone.
Núi lửa Yellowstone phun trào sẽ tạo ra thảm họa cho nhân loại. Ảnh: Internet.
Thậm chí, có những trận động đất đạt tới 4,4 độ Richter là trận động đất mạnh nhất kể từ tháng 3 năm 2014 ở nơi đây hay các rung chấn xuất hiện rất sâu trong lòng đất (14,5 km),
Người phát ngôn của Đại học Utah (Mỹ), nơi trực tiếp theo dõi và nghiên cứu hoạt động xảy ra ở núi lửa này còn cho rằng, siêu núi lửa sau thời gian ngủ đông 70.000 năm thì này đang "trở mình" và gây ra những chấn động ấn tượng, đây có thể là dấu hiệu khởi động của nó trước khi tỉnh dậy.
Nhiều người dân ở thị trấn Tây Yellowstone, Gardiner, Montana hay công viên quốc gia Yellowstone cũng như các khu vực lân cận đều cảm nhận những cơn địa chấn xảy ra thường xuyên gần đây hơn.
Biểu đồ tần suất động đất từ 12/6 đến 19/6/2017 ở Yellowstone. Nguồn ảnh: ĐH Utah.
Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng...
Giáo sư Địa chất học Jamie Farrell tại Đại học Utah (Mỹ), người tham gia vào Đài quan sát Núi lửa Yellowstone (Yellowstone Volcano Observatory (YVO)) cho biết:
"Những trận động đất với tần suất lớn thường xảy ra ở Yellowstone, trung bình, mỗi năm tại đây xảy ra khoảng 1.500 đến 2.000 trận động đất lớn nhỏ".
Và mặc dù những trận động đất gần đây có tần suất cao hơn mức trung bình, nhưng các nhà nghiên cứu cũng cho biết chưa có dấu hiệu của sự dịch chuyển hay rò rỉ các dòng mắc ma, sự thay đổi của hệ thống thủy nhiệt hay thoát khí gas bên dưới núi lửa này.
Hơn nữa, Farrell còn nói thêm: "Nếu chúng ta thấy một trong các dấu hiệu này xảy ra thì cũng không có nghĩa là núi lửa đang hoạt động lại, chỉ khi tất cả dấu hiệu này đều xuất hiện thì đó mới là lúc một chiếc cờ đỏ cảnh báo được nâng lên".
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ thì xác xuất xảy ra trận phun trào của siêu núi lửa này mỗi năm chỉ rơi vào khoảng 0,00014% (1/730.000).
Bài viết được dịch từ các nguồn: Sciencealert, Dailymail