Những người đi biển ở Kommetjie, Nam Phi bắt gặp cảnh tượng hiếm gặp trên bãi cát ở Long Beach. Đó là xác một con mực khổng lồ.
'Quái vật' biển sâu mực khổng lồ dài hơn 3,5 mét dạt vào bãi biển Nam Phi
Alison Paulus, một cư dân Cape Town và là người sáng lập một tổ chức bảo tồn động vật hoang dã cho biết: "Thật không thể tin được. Chỉ riêng cơ thể đã dài khoảng 2,2 mét, cộng thêm các xúc tu, tôi chắc chắn rằng nó sẽ kéo dài đến 3,5 mét".
Kể từ khi những câu chuyện về mực khổng lồ lần đầu tiên lưu truyền trong thần thoại Bắc Âu, loài sinh vật này đã tạo ra sự thu hút với nhiều người đi biển.
Mực khổng lồ là một trong những động vật không xương sống lớn nhất trên Trái Đất. Dù sở hữu kích thước khổng lồ nhưng không vì lý do đó mà chúng trở nên dễ bị phát hiện. Chúng là một trong những loài động vật khó nắm bắt nhất trên hành tinh vì thường sống ở độ sâu từ 300 đến 1.000 mét và hiếm khi trồi lên mặt biển.
Đôi mắt to bằng chiếc đĩa thuộc hàng lớn nhất trong số mọi sinh vật sống giúp mực khổng lồ quan sát dưới làn nước tối đen.
Trong nhiều thế kỷ, thông tin duy nhất mà các nhà khoa học có về những sinh vật này đến từ việc nghiên cứu xác bị đánh dạt vào bờ hoặc phần còn sót lại trong dạ dày của cá nhà táng, kẻ thù ngoài tự nhiên của mực khổng lồ. Mãi đến năm 2004, con người lần đầu tiên quan sát được về loài mực khổng lồ này khi còn sống.
Con mực ở Nam Phi dạt vào ban đêm sau khi bị thương, có thể do va chạm với thuyền thương mại hoặc tàu đánh cá. Alison Paulus cho biết: "Chúng tôi thấy một vết nứt dài phía trên các xúc tu, chúng tôi đoán là do va chạm với chân vịt của thuyền".
Các chuyên gia động vật hoang dã tiến hành điều tra cho thấy đây là một con mực khổng lồ cái.
Jon Friedman, chuyên gia động vật hoang dã làm việc tại Hiệp hội phòng chống đối xử tàn ác với động vật SPCA cho biết: "Tôi đoán con mực bị tàu đâm trúng khi đang ở trên mặt biển".
Friedman ước tính con mực khoảng hai tuổi khi nó chết. Mực khổng lồ có thể sống tới 5 năm và đạt chiều dài 13 mét.
Thời điểm các chuyên gia SPCA đến hiện trường, những người đánh cá địa phương đã loại bỏ mắt và các phần xúc tu của con mực. Phần lớn những gì còn lại của xác mực khổng lồ được băm nhỏ và ném trở lại biển. Trước đó, các chuyên gia đã gửi một số mẫu mô đến Bảo tàng Iziko Nam Phi của Cape Town để phân tích ADN.
Bảo tàng hiện lưu giữ phần còn lại của 19 con mực khổng lồ khác. Alison Paulus thất vọng vì không thể được đưa xác mực nguyên vẹn trở lại bảo tàng, nhưng cô rất xúc động và cảm thấy may mắn khi nhìn thấy con mực lúc còn nguyên vẹn. "Tôi có hai cậu con trai nhỏ mê động vật hoang dã nên chúng tôi xuống đây ngay khi biết tin để tận mắt chứng kiến", cô nói.