Thời gian gần đây na rừng, loại quả được người Mông sử dụng làm thuốc bổ sinh lý, an thần, ngủ ngon được nhiều người biết đến và tìm mua. Dù là quả từ cây mọc dại trên rừng, nhưng dược lý của loại quả này rất đáng quan tâm.
Theo bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, na rừng tên khoa học là Kadsura roxburghiana Arn. Loại cây này còn được biết tới với nhiều tên gọi khác nhau như: dây chua cùm, nắm cơm, đạt toản, pản mạ (Tày), na leo, dây răng ngựa. Na rừng thuộc họ ngũ vị (Schisandraceae).
Quả na rừng có hình dáng tương tự như quả na nhưng kích thước to gấp đôi hoặc gấp ba lần quả na ta. Khi chín, thịt của quả na rừng có màu hồng, múi rất to, dễ tách thành từng múi nhỏ, mùi thơm nhẹ.
Na rừng được sử dụng là thuốc chữa bệnh. (Ảnh minh hoạ)
Rễ và quả là hai bộ phận được dùng làm thuốc chính. Na rừng mọc nhiều trong các khu rừng kín có độ cao từ 200 – 1000m. Người ta thường tìm thấy loại cây này ở vùng núi Tây Bắc, Quảng Ninh, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội), Hoà Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng, Kon Tum.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, rễ cây na rừng chứa Ethanol giúp giảm đau và chống viêm, an thần hiệu quả.
Bác sĩ Vũ cho biết, trong y học cổ truyền, quả na rừng vị cay, tính hơi ôn, tác dụng an tâm, bổ thận, chỉ khái khư đàm. Quả khi chín ăn được bổ huyết. Dùng trà hãm từ quả na rừng uống có tác dụng an thần và gây ngủ.
Người Mông dùng quả na rừng ngâm rượu uống giúp da hồng hào, tăng cường sinh lý cho đàn ông. Liều lượng khuyến cáo là khoảng 15 – 30g mỗi ngày.
Rễ cây na rừng vị cay, tính ấm, hơi đắng, hương thơm nhẹ. Quy kinh quy kinh Vị, đại tràng. Rễ cây Na rừng tác dụng hành khí, chỉ thống, hoạt huyết, khư phong, tán ứ, tiêu thũng.
Kinh nghiệm dân gian dùng rễ na rừng dùng làm thuốc bổ, hoạt huyết, giảm đau, kích thích tiêu hóa, ngày dùng 8-16g vỏ rễ hay vỏ thân tán nhỏ, ngâm rượu uống, chia làm 2 lần trong ngày.
Tại Trung Quốc, thân và rễ cây na rừng được dùng chữa phong thấp tê đau, viêm loét dạy - tá tràng, đau bụng kinh, đau bụng sau khi đẻ. Người Trung Quốc dùng quả na rừng chữa thận hư đau lưng, ho, viêm họng viêm phế quản, thần kinh suy nhược. Dùng hàng ngày 6-9g sắc nước uống.
Rễ na rừng lượng từ 20 – 30gra hãm cùng với một lượng nước vừa đủ, bạn có thể dùng uống thay nước hàng ngày. Uống nước này có thể giúp phụ nữ sau sinh đẻ ăn uống ngon hơn, giảm đau, hỗ trợ co bóp dạ con và tăng tốc độ làm sạch lượng máu hôi tanh sau khi sinh con.
Rễ na rừng được sử dụng chữa bệnh lý đau dạ dày như sau: Dùng vỏ thân, dễ cây ngâm rượu để dùng uống hàng ngày. Sử dụng thường xuyên có thể kích thích tiêu hóa, giảm đau, hỗ trợ điều trị đau dạ dày.
Bác sĩ Vũ lưu ý, na rừng có thể được sử dụng như một vị thuốc an thần, điều trị viêm đau dạ dày, suy nhược cơ thể, nhưng người bệnh cần nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể, không nên tự ý sử dụng vị thuốc.