Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Ảnh: C.TUỆ
Sáng 24-11, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) họp báo thông tin về việc trái nhãn, khoai lang, chanh, bưởi chính thức được xuất chính ngạch sang các thị trường Nhật, New Zealand, Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết ngày 23-11, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức công bố nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.
Ngày 18-11, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã thông báo cho phép trái nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản.
"Hôm nay, đoàn chuyên gia của Nhật đang kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ sở xử lý lạnh trái nhãn trước khi xuất khẩu", ông Trung nói.
Ngoài ra, chanh và bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, trưởng phòng hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết quá trình đàm phán kỹ thuật mở cửa trái nhãn sang Nhật Bản rất ly kỳ.
"Cục Bảo vệ thực vật phải mất 6 tháng chỉ để xây dựng và thống nhất phương pháp thí nghiệm xử lý trái nhãn trước khi xuất sang Nhật. Chúng tôi đề xuất biện pháp xử lý lạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện biện pháp xử lý này.
Giai đoạn thí nghiệm này gồm bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn thí nghiệm thực hiện ba lần, mỗi lần mất khoảng 20 ngày và 20 ngày báo cáo. Nhật Bản quan tâm hai loại ruồi đục quả chín, kết quả điều tra cho thấy có một loại không có khả năng gây hại nên đã đề xuất và được Nhật chấp thuận chỉ cần làm một loại", ông Hiếu nói.
Về yêu cầu kỹ thuật xuất khẩu trái nhãn, ông Hiếu cho biết Nhật yêu cầu quả nhãn tươi được sản xuất tại các vùng trồng được đăng ký, vận chuyển tới Nhật Bản qua đường biển và hàng không.
"Lô hàng này đã được xử lý kiểm dịch thực vật bằng phương pháp xử lý lạnh, ở mức nhiệt độ dưới 1,3 độ C trong thời gian 13 ngày tại các cơ sở xử lý được phê duyệt. Các lô hàng xuất khẩu nhãn tươi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Đồng thời đảm bảo không có đối tượng kiểm dịch thực vật sau khi đã được kiểm tra kiểm dịch của cơ quan bảo vệ thực vật. Phần khai báo bổ sung nêu rõ không có ruồi đục quả Bactrocera dorsalis", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đối với khoai lang, ông Hiếu cho biết phía Trung Quốc yêu cầu khoai lang xuất khẩu không được dùng cho mục đích làm giống, vùng trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, phải điều tra giám sát bảy đối tượng sinh vật hại mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm.
"Trước khi xuất khẩu khoai lang phải tiến hành lấy mẫu 2% mỗi lô hàng. Nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện đối tượng kiểm dịch mà Trung Quốc quan tâm còn sống, lá hoặc đất thì lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc và doanh nghiệp xuất khẩu cũng như vùng trồng khoai lang liên quan sẽ bị tạm dừng xuất khẩu", ông Hiếu cảnh báo.
Ông Hoàng Trung nhấn mạnh việc ký kết các nghị định thư tạo động lực để người nông dân, doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, quy mô lớn hơn.
"Một trong những quy định xuất khẩu hiện nay là các sản phẩm phải có mã số vùng trồng, diện tích cũng ít nhất 10ha trở lên. Điều này nhằm giúp cho người nông dân liên kết với nhau, áp dụng quy trình kỹ thuật giống nhau để tạo ra chất lượng đồng đều, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu", ông Trung chia sẻ.
Ngoài các mặt hàng nói trên, năm 2022 có thể được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận các thị trường thế giới. Trước tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc với các quy định tạm thời.
Tiếp đến, sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước.