Theo Bloomberg, một mùa đông "xám xịt" khác lại chuẩn bị diễn ra ở Bắc Kinh, sau khi chính phủ nước này nới lỏng mục tiêu chất lượng không khí. Đây là dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc đang tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh trì trệ, dù phải đánh đổi với bầu không khí trong lành.
Hồi tháng 9, chính phủ Trung Quốc đã giảm bớt mục tiêu cho một số chỉ báo về chất lượng không khí quan trọng ở miền bắc, bao gồm các khu vực có khu công nghiệp xung quanh thủ đô. Hiện tại, họ đang tìm cách giảm 4% nồng độ bụi mịn PM 2.5 so với 1 năm trước trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3, trong khi mục tiêu của năm ngoái là 5,5%.
Mùa đông năm ngoái, Trung Quốc đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải cân bằng giữa nhu cầu đối với tăng trưởng và kiểm soát vấn đề ô nhiễm. Do đó, một số kinh tế gia cho rằng tốc độ tăng trưởng ì ạch là yếu tố dẫn đến quyết định nới lỏng những quy định nghiêm ngặt về môi trường, khi chính phủ nỗ lực thúc đẩy hoạt động của các nhà máy. Nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng cũng mâu thuẫn với việc Chủ tịch Tập Cận Bình đi đầu về quan điểm biến đổi khí hậu, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu toàn cầu.
Li Shuo, một cố vấn chính sách tại Greenpeace Trung Quốc, cho hay: "Triển vọng kinh tế yếu kém đang 'chế ngự' tham vọng về môi trường của Trung Quốc". Ông nói thêm rằng những mục tiêu đó có lẽ đã bị "hạ gục" khi đối mặt với lợi ích của những bộ và khu công nghiệp địa phương. Ông nhận định: "Người dân Trung Quốc có thể cảm nhận điều này khi hít thở vào mùa đông sắp tới."
Năm ngoái, Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết khu công nghiệp miền bắc Trung Quốc sẽ áp dụng một chương trình linh hoạt hơn đối với việc kiềm chế lượng sản xuất vào mùa đông, tránh việc cắt giảm hoàn toàn và thực hiện cách tiếp cận khác biệt đối với những ngành công nghiệp, gồm sản xuất thép. Hôm thứ Sáu, Phó Thủ tướng Han Zheng kêu gọi giới chức hãy thực tế, áp dụng những biện pháp chính xác và kiềm chế những biện pháp như một chính sách phù hợp với tất cả tại Bắc Kinh, cùng những khu vực lân cận trong năm nay.
Những mục tiêu được sửa đổi cũng cho phép tăng số lượng ngày với mức độ ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc khẳng định nới lỏng quy định cũng không thể hiện rằng họ đang rời xa cam kết làm sạch môi trường. Liu Youbin, phát ngôn viên của Bộ Sinh thái và Môi trường, cho biết: "Mục tiêu này được xây dựng một cách khoa học và hợp lý, dựa trên cơ sở được tham vấn với các bộ phận liên quan, chính quyền địa phương và các chuyên gia." Ông chỉ ra rằng "điều kiện không khí không thuận lợi" khi dự báo sương khói sẽ kéo dài trong một thời gian dài và bao phủ trên phạm vi rộng, nhấn mạnh rằng cam kết về tham vọng môi trường của Trung Quốc là không thay đổi.
Dấu hiệu gần đây nhất cho thấy Trung Quốc đã nới lỏng quy định đối với khí thải nhà máy đã xuất hiện vào hôm 1/10, khi nước này kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Cộng sản với cuộc diễu hành hoành tráng. Dù họ kỳ vọng rằng bầu trời xanh sẽ được đảm bảo cho những ngày diễn ra dịp lễ, nhưng những người theo dõi sự kiện này ở nhà thậm chí còn không thể nhìn thấy những chiếc máy bay biểu diễn trên nền trời xám xịt.
Theo Bộ Môi trường , số ngày trung bình có chất lượng không khí tốt trên khắp 336 thành phố của Trung Quốc vào tháng 9 đã giảm 14,7% so với 1 năm trước, xuống mức 80,5%, khi nồng độ bụi PM 2.5 tăng 18%. Tại Bắc Kinh, không khí được đánh giá ở mức tốt chỉ tồn tại trong nửa tháng, giảm 40 điểm phần trăm, nồng độ bụi PM 2.5 tăng 29%.
Theo báo cáo của Everbright Sun Hung Kai, việc Trung Quốc đi lùi lại với quy định về khí hậu trong kế hoạch dự thảo cho thấy thúc đẩy tăng trưởng là ưu tiên lớn hơn so với giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, một chiến dịch trên quy mô toàn quốc, chuyển từ đốt than sang sử dụng khí đốt tự nhiên, có thể sẽ được tích cực thực hiện vào năm tới, khi đường ống khí đốt mới từ Nga đến Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động, theo Wallace Cheng - nhà phân tích tại BOCOM International. Ông cho hay, còn có những nguyên nhân khác gây ra tình trạng sương khói, bao gồm một cơn bão kéo theo bụi từ Mông Cổ hôm 27/10, ảnh hưởng đến 28 khu vực, trong đó có Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc.
Trong quý III/2019, Trung Quốc tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng chậm chạp nhất kể từ đầu những năm 1990, GDP thấp hơn dự kiến và chỉ tăng 6%. Khi xuất khẩu sang Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi chiến tranh thương mại tiếp diễn, thì nền kinh tế nước này vẫn gặp khó khăn, chi phí nhà máy ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty và lạm phát tiêu dùng tăng gây ảnh hưởng đến sức chi tiêu.