"Quá giang" máy bay - cách di chuyển đáng sợ của rắn độc: Hậu quả nghiêm trọng!

Nguyễn Hằng |

Từ việc lén lút bò lên các máy bay quân sự ở Australia, loài rắn độc này đã đến Guam (tây Thái Bình Dương) rồi dần dần xâm lấn hòn đảo này.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), do vô tình "đi nhờ" trên máy bay quân sự từ Australia đến đảo Guam trong Thế chiến II, loài rắn cây nâu (tên khoa học Boiga irregularis) đã bắt đầu mở rộng lãnh thổ, tàn phá quần thể các loài chim bản địa trên hòn đảo này và các đảo lân cận ở Thái Bình Dương.

Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng không riêng gì loài rắn cây nâu và các loài rắn độc khác sẽ tiếp tục mở rộng lãnh thổ sang những môi trường sống mới bằng cách tình cờ "quá giang" lên các chuyến bay.

Quá giang máy bay - cách thức di chuyển đáng sợ của rắn độc: Hậu quả nguy hiểm - Ảnh 1.

Rắn cây nâu tàn phá nhiều quần thể chim bản địa trên đảo Guam. Ảnh: Pixels

Bryan Fry, phó giáo sư tại ĐH Queensland (Australia), cho biết, loài rắn này đã được di chuyển tới đảo Guam một cách ngẫu nhiên. Điều đó có nghĩa là ít nhất trong khoảng 80 năm qua, loài rắn độc này vẫn đang tiếp tục "đi nhờ" các chuyến bay hàng không để di chuyển và mở rộng lãnh thổ hoạt động tới những vùng đất mới.

Quá giang máy bay - cách thức di chuyển đáng sợ của rắn độc: Hậu quả nguy hiểm - Ảnh 2.

Rắn cây nâu, loài rắn độc "xâm chiếm" đảo Guam trong nhiều thập kỷ qua. Ảnh: Shutterstock

Phó giáo sư Bryan Fry nhận định: "Loài rắn này thường xuyên bị bắt gặp ở các sân bay tại Hawaii và nếu Mỹ vẫn sử dụng máy bay quân sự để di chuyển từ đảo Guam tới Hawaii, thì điều này có nghĩa là những con rắn cây nâu này vẫn có cơ hội bò lên máy bay, tiếp tục được đi tới nơi khác.

Vì vậy, nếu những chuyến bay này được phép tiếp tục thì việc loài rắn độc này "quét sạch" các con chim ở Hawaii giống như chúng đã làm ở đảo Guam chỉ còn phụ thuộc vào vấn đề thời gian".

Theo USGS, loài rắn cây nâu có nguồn gốc ở Australia, Indonesia, quần đảo Solomon và New Guinea. Nọc độc của loài rắn này được cho là đặc biệt, có chứa 2 loại độc tố riêng biệt và khi chúng kết hợp với nhau thì làm cho vết cắn của chúng rất độc, nhanh chóng giết chết các con chim trên đảo.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Molecular Evolution vào 12/9 vừa qua, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các loài rắn khác trong chi Boiga cũng có sở hữu nọc độc chứa độc tố kép này.

Do đó, nếu mở rộng lãnh thổ thì bất kỳ loài rắn nào trong số này cũng có thể gây ra sự tàn phá nghiêm trọng tương tự như những con rắn cây nâu đã làm đối với quần thể chim trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương.

Tham khảo nguồn: Livescience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại