Đánh giặc hay là chết
Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ nhất (1258), nhà vua ra khẩu hiệu cho cả nước chuẩn bị vũ khí, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Tống giam sứ giả phương Bắc, quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc.
Khi được vua Trần Thái Tông hỏi ý kiến về kháng chiến chống giặc, lúc này quân Mông Nguyên đang mạnh như vũ bão, chiếm được kinh thành Thăng Long, Thái sư Trần Thủ Độ tự tin trả lời: "Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo".
Câu nói ngắn gọn, dứt khoát ở tình thế nước sôi lửa bỏng giúp củng cố tinh thần chiến đấu anh dũng của nhà vua, quân và dân Đại Việt, góp phần vào chiến thắng vang dội.
Thái sư Trần Thủ Độ.
Đến cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ 2 (1285), quyết tâm đánh giặc của toàn Đại Việt tập trung ở "Hội Nghị Diên Hồng" (bến Bình Than, Chí Linh, Hải Dương) họp các vương hầu, trăm quan cùng bô lão trong cả nước bàn kế đánh giặc.
Hội nghị nhất trí một lòng quyết tâm đánh giặc "xin đánh, xin đánh". Khẩu hiệu "Sát Thát" (giết giặc xâm lược Thát Đát-chỉ quân Mông Cổ) ra đời ngay sau đó. Để cổ vũ tinh thần chiến đấu, hăng hái luyện tập và lòng yêu nước của binh sĩ, Trần Quốc Tuấn đã viết "Hịch tướng sĩ".
Tranh minh họa: Hội nghị Diên Hồng bàn kế đánh quân Mông Nguyên. Nguồn: Internet
Khi quân Mông Cổ kéo vào biên giới Đại Việt, Hưng Đạo Vương lại nhận định tiếp "Năm nay, giặc đến dễ đánh". Và, thực tế lịch sử đã chứng minh cả hai nhận định đều chính xác, quân Mông Cổ phần nhiều bỏ mạng trong cuộc xâm lược lần thứ ba.
Sức mạnh quả đấm thép "Trạo nhi"
Một trong những sở trường và ưu thế của quân đội nhà Trần là thủy quân. Từ năm 1246, nhà Trần đã có lệ tuyển chọn lính chèo thuyền thành một ngạch riêng (gọi là Trạo nhi), đội quân này góp phần to lớn và vai trò quan trọng trong các trận thủy chiến của quân đội.
Các cuộc tập trận và di chuyển quân trong các cuộc kháng chiến hồi thế kỷ XIII chủ yếu diễn ra trên sông, trên biển. Những chiếc thuyền nổi tiếng của quân đội thời Trần mang các tên như: Kim Phượng, Nhật Quang, Nguyệt Quang,... là uy lực của Đại Việt và nỗi khiếp sợ của lân bang.
Lực lượng thủy quân hùng mạnh và thiện chiến lúc bấy giờ, đã giúp gia tăng sức mạnh quân đội và phát huy sở trường của quân dân Đại Việt, đánh vào điểm yếu của giặc và buộc giặc phải đánh theo lối đánh của tướng sĩ nhà Trần đã bày binh bố trận.
Tranh minh họa: Thủy binh nhà Trần. Nguồn: Internet
Thực tế lịch sử kháng chiến chống quân Mông Cổ thế kỷ XIII cho thấy, các chiến thắng lớn đều diễn ra ở vùng sông nước và cửa biển. "Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô, sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã" -theo Bình Ngô Đại Cáo- Nguyễn Trãi.
Cùng với sự phối hợp nhịp nhàng với các đội quân khác của Đại Việt, Trạo nhi đã thể hiện vai trò, sức mạnh của mình trong kháng chiến.
Quân đội nhà Trần tập trung đông khi cần thiết, có chất lượng vào bậc nhất lúc bấy giờ (binh cốt tinh không cốt đông.
Và, tất cả đội quân đó được đặt dưới sự luyện tập và chỉ huy của những nhà quân sự thiên tài, điển hình nhất là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong cả ba lần kháng chiến chống quân Mông Cổ, đội quân này đã góp những phần quyết định trong việc cầm cự, phản công và giành thắng lợi quân sự, làm thay đổi cục diện chiến trường và đi tới thắng lợi cuối cùng.
Một trận thủy chiến trên sông. Nguồn: Internet
Năm 1258, kịch chiến diễn ra trên vùng sông Cà Lồ (Vĩnh Phúc ngày nay); sông Hồng (đoạn gần thành Thăng Long), sông Thiên Mạc (Hà Nam ngày nay), thủy quân đã đánh những trận đầu, cầm chân giặc tạo cơ hội phản công ở giai đoạn tiếp theo.
Ngày 29/1/1258 Vua Trần Thái Tông đã cùng Hoàng Thái Tử Trần Hoảng chỉ huy Lâu thuyền, ngược dòng Thiên Mạc đánh tan quân giặc ở Đông Bộ Đầu (Hà Nội), chiếm lại kinh thành Thăng Long.
Thắng lợi này buộc quân Mông Cổ phải rút chạy tháo thân theo đường sông Hồng và không dám cướp bóc như hồi mới sang, hiền lành như "Phật".
Năm 1285, thủy chiến tiếp tục diễn ra ở vùng Bình Than (sông Lục Đầu ngày nay); sông Hồng (đoạn qua huyện Đông Anh ngày nay); sông Thiên Mạc (Duy Tiên, Hà Nam); sông Hồng đoạn qua Thường Tín (Hà Nội).
Quân Mông Nguyên thua to, theo sử cũ ghi lại, để bảo toàn tính mạng, tướng chỉ huy là Thoát Hoan sợ hãi, phải chui vào ống đồng cho tàn quân đưa về Trung Quốc.
Tiêu biểu hơn cả là chiến thắng đội quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng trong lần kháng chiến thứ ba. Sáng sớm 09/4/1288, đoàn thuyền binh của Tướng Ô Mã Nhi và Phàm Tiếp (quân Mông Cổ) trên đường rút lui về nước, qua địa phận sông Bạch Đằng.
Nước chiều lúc này cao, che lấp bãi cọc đã được quân dân nhà Trần bày bố từ trước. Một đội lính cảm tử "Trạo nhi" lãnh nhiệm vụ ra khiêu chiến nhử quân Mông Cổ rồi vờ thua rút chạy.
Ô Mã Nhi và Phàm Tiếp dẫn binh thuyền đuổi theo. Đến thời điểm nước triều bắt đầu rút nhanh, đoàn thuyền quân Mông Cổ xô vào cọc, bị dồn lại. Nhiều chiếc bị thủng và chìm, nhiều chiếc mắc kẹt không di chuyển được.
Bất ngờ từ tứ phía, phục binh Đại Việt trên các thuyền chiến vừa và nhỏ đổ ra thừa thế tiêu diệt. Trận kịch chiến diễn ra trên Bạch Đằng giang lịch sử, máu nhuộm đỏ một khúc sông.
Chỉ trong một con nước triều, đội thủy quân hùng hậu của Mông Cổ bị đánh tan, tướng Ô Mã Nhi bị bắt sống. Bạch Đằng một thủơ Ngô Vương (938) và Tiền Lê (981) lại sống dậy.
Tranh minh họa trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Nguồn: Internet
"Trạo nhi" bất tử
Trong hàng vạn nghĩa sĩ "Trạo nhi" cuối thế kỷ XIII có người may mắn được chứng kiến ca khúc khải hoàn, có người đã ngã xuống trước khi chiến thắng vì non sông Đại Việt.
Trong số đó, lịch sử có ghi chép đến hai nhân vật nổi tiếng, họ là hình mẫu, đại diện cho hàng ngàn, hàng vạn lính thủy Đại Việt mãi sống trong tiềm thức lịch sử dân tộc, đó là Yết Kiêu và Dã Tượng.
Đây là hai thần tướng của Hưng Đạo Đại Vương và cũng là những người sở hữu tài bơi lội, lập được nhiều chiến công, trung thành với chủ.
Theo sử cũ, trong một trận chiến đẫm máu chống quân Mông Nguyên, khi Trần Quốc Tuấn ra trận, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi (trên bờ sông Lục Nam) đợi chủ, còn Dã Tượng luôn theo sát bảo vệ chỉ huy.
Diễn biến bất lợi, thuyền quân Đại Việt đều tìm được rút lui chiến lược, Hưng Đạo Vương định rút lui theo đường núi để bảo toàn lực lượng, tìm cách phản công lại khi có điều kiện.
Lúc này, Dã Tượng quả quyết: "Yết Kiêu không thấy Đại Vương tất không rời thuyền chỗ khác". Nghe vậy, Ngài cùng quân lính quay lại bến thuyền vẫn thấy Yết Kiêu đợi lệnh.
Cảm kích trước lòng trung của những người bề tôi, Hưng Đạo Vương hết lòng khen ngợi "Chim hồng hộc bay được cao là nhờ ở sáu cái lông cánh, nếu không có sáu cái lông ấy thì cũng như chim thường mà thôi".
Tranh minh họa: Yết Kiêu tiêu diệt thuyền địch. Nguồn: Internet
Lời bình
Sức mạnh của quốc gia, dân tộc nằm ở trăm họ, muôn dân. Đại Việt thế kỷ XIII giành được chiến thắng đến những ba lần khi đối đầu với đạo quân thiện chiến và tàn độc bậc nhất thế giới, ngoài các tướng tài, còn phải kể đến tinh thần đoàn kết của vua tôi, các quý tộc và đặc biệt là huy động được toàn thể các giai tầng trong xã hội tham gia vào cuộc chiến sinh tử.
Từ vua, hoàng tử, các bô lão, thiếu niên, quý tộc, gia nô,... đều góp sức mình cho đại nghiệp của nước nhà, cộng với mưu lược quân sự, thì thắng lợi là điều tất yếu. Kế sâu dễ, bền gốc lấy dân làm nền tảng của Hưng Đạo Vương muôn đời không sai.
Tài liệu tham khảo chính
-Ngô Sỹ Liên và các sử thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản Kỷ toàn thư, Quyển V, Kỷ nhà Trần, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr. 27-63.
-Trần Thị Vinh (2013), Lịch sử Việt Nam tập 2 (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX), Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, HN, Tr 511-548.
-Trương Hữu Quýnh (2007), Đại cương lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Giáo dục, HN, Tr. 218-246.
-Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1985), Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr 194-211.