Từ xưa cho đến tận hôm nay, phần lớn người Á Châu vẫn có suy nghĩ nuôi con khôn lớn trưởng thành, sau này về già ắt sẽ có nơi nương tựa.
Tuy nhiên một câu chuyện đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc dưới đây đáng để cho tất cả chúng ta suy nghĩ một cách sâu sắc và nghiêm túc.
Nhân vật chính trong câu chuyện là một cô gái. Từ khi cô mới 5 tuổi, mẹ cô qua đời. Bố cô đi bước nữa.
Thật may mắn cho 3 anh em cô, vợ mới của bố là một người phụ nữ hiền thục, dịu dàng. Kể từ sau khi bước chân vào gia đình cô, bà đã xem các con của chồng như con đẻ của mình, hết lòng yêu thương chăm sóc.
Là con gái nên cô thường chú ý đến mọi việc, vì thế cô hiểu và ghi nhớ rất rõ những gì mẹ kế đã làm cho mình và các anh.
Những năm trước, mùa đông rất lạnh. Trước khi ba anh em cô ngủ dậy, lúc nào mẹ kế cũng hong sẵn quần áo dưới lò sưởi để ngủ dậy là cả ba có đồ ấm để mặc lên người.
Bà cứ thế chăm sóc cho 3 đứa con chồng từng ly từng tí, dịu dàng, ấm áp. Tình cảm của bà được cô đón nhận, coi bà không khác gì mẹ đẻ.
Thế nhưng về sau, trong lúc trông cháu giúp người anh hai, mẹ kế không may bị ngã cầu thang từ trên lầu xuống dưới, bị thương nặng ở phần xương vùng thắt lưng. Kể từ đó, bà bị liệt không thể đi lại được.
Người anh trai vô tình, trả bà về nhà cho em gái chăm. Không lâu sau, bố họ qua đời. Cô cũng chuẩn bị kết hôn. Khi đó, việc chăm sóc mẹ kế trở thành một vấn đề lớn.
Cả hai người anh trai đều đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm với người đã dành cả đời để sống cho chồng và con của chồng. Thậm chí, họ còn ép mẹ kế phải chuyển ra chỗ khác ở, nói đó là nhà của bố, họ sẽ bán đi và chia tài sản cho hai người con trai.
Ảnh minh họa.
Những ngày đó là một chuỗi ngày vô cùng nặng nề đối với người phụ nữ chấp nhận thân phận làm lẽ, hy sinh cuộc sống riêng tư của mình vì những đứa trẻ không chung huyết thống. Ngày nào bà cũng khóc.
Một hôm, con gái đi làm về, chưa vào đến cửa đã ngửi thấy mùi ga nồng nặc. Cô vội vã đẩy cửa chạy thẳng vào bếp. Một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt: Mẹ kế đang nằm trên sàn, hôn mê bất tỉnh.
Thì ra bà đã bò xuống bếp, mở khóa ga để tự kết thúc cuộc sống mà bà cho là đang quá đỗi bế tắc và nặng nề.
Cô lập tức gọi điện thoại cho đường dây nóng để đưa mẹ đi cấp cứu. Thế nhưng không ngờ câu đầu tiên bà nói sau khi tỉnh lại là: "Tại sao lại cứu mẹ? Mẹ không muốn làm con mệt vì mẹ nữa…"
Cô ôm chặt lấy mẹ kế, khóc như một đứa trẻ. Người phụ nữ ấy đã dành quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời dành cho gia đình đó, giờ già yếu lại bị dồn vào đường cùng, cảnh ngộ ấy, làm sao không khiến người ta cảm thấy xót xa?
Cô an ủi mẹ: "Mẹ, sao mẹ phải làm chuyện dại dột này? Không phải mẹ vẫn còn con sao? Con kết hôn sẽ đưa mẹ đi cùng, nếu Đại Quốc (tên người bạn trai cô) không đồng ý, con sẽ không lấy anh ấy nữa!"
Thế nhưng, bạn trai cô là một người chất phác đôn hậu. Sau khi biết hết mọi chuyện, anh không nói thêm bất cứ điều gì mà lập tức đồng ý với người yêu.
Ngày họ kết hôn, trước khi xuất phát, mẹ kế bảo cô lật giúp tấm ảnh cũ ở đầu giường lên, để lộ ra bên dưới là một chiếc hộp nhỏ. Bà nhờ cô lấy chiếc hộp ra đưa cho mình.
Trong lễ cưới, sau khi cô dâu chú rể vái lạy bố mẹ hai bên, mẹ kế lấy chiếc hộp ra và nói đó là quà bà tặng con gái.
Vì lòng hiếu thảo, cô gái đã nhận được món quà vô giá từ người mẹ kế. Ảnh minh họa.
Cô mở chiếc hộp trước mặt mọi người. Bên trong là một chiếc nhẫn làm bằng ngọc phỉ thúy và hai trang di chúc. Khi đó, người dẫn chương trình xin phép được đọc thật to bản di chúc mà cô dâu vừa nhận được.
Tờ di chúc thứ nhất là cha cô để lại, trên đó viết sau khi ông mất, tất cả tài sản của ông đều để lại cho mẹ kế. Tờ di chúc thứ hai là mẹ kế viết, bà quyết định dành tất cả tài sản mà chồng để lại cho mình tặng cho con gái.
Nghe đến đây, cô không giấu nổi kinh ngạc. Tất cả những người có mặt tại buổi lễ cưới hôm đó cũng không giấu nổi sự kinh ngạc và xúc động.
Mẹ kế nói thêm, chiếc nhẫn ngọc phỉ thúy được tổ tiên bà truyền lại, con gái nhất định phải nhận. "Con xứng đáng với món quà này", bà trịnh trọng nói.
Khi đó, hai người anh trai và chị dâu vẫn chưa hết bàng hoàng. Trước cảnh mẹ kế giao mọi thứ của bà cho cô, họ chỉ biết đứng nhìn.
Lời bình
Trong trăm điều thiện ở đời, chữ hiếu đứng hàng đầu. Mặc dù người con gái không cần bù đắp cho tấm lòng hiếu thảo nhưng người mẹ kế đã cảm nhận được tình yêu thương của cô. Đó là lý do bà dành cho cô tất cả gia sản của mình.
Một người con tận hiếu với cha mẹ, giá trị đó không thể đem so sánh, ước lượng bằng tiền bạc.