Quá chén ngày Tết bị phạt tới 18 triệu, "ma men" có sợ?

Trần Duy |

Người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia vượt mức cho phép có thể bị phạt tiền lên tới 18 triệu đồng.

Theo quy định tại Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô có sử dụng rượu, bia có thể bị phạt tiền lên tới 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX đến 6 tháng.

Cụ thể: Điểm a, Khoản 6, Điều 5 của Nghị định 46 quy định xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức 1). Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 - 3 tháng.

Điểm b, Khoản 8, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức 2).

Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 3 - 5 tháng.

Điểm b, Khoản 9, Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức 3); hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng.

Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3 - 5 tháng.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu 2017 xảy ra 360 vụ TNGT, làm chết hơn 200 người và trên 400 người bị thương tật. So với 7 ngày Tết Bính Thân 2016, TNGT đã tăng trên cả 3 mặt:

Số vụ, số người chết và bị thương. Tăng 84 vụ, tăng 21 người chết, tăng 135 người bị thương.

Theo ông Hùng, ngoài các nguyên nhân liên quan đến ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông như: Không đội MBH, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, thì vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện là nguyên nhân cơ bản.

Nhiều lái xe say rượu bia nên không làm chủ được tay lái, nhất là ở các vùng nông thôn. Một số thanh niên cũng lấy ngày Tết là thời điểm “xả hơi” để tụ tập khuya, uống rượu bia và tham gia giao thông không an toàn.

"Từ nay đến hết quý I/2018, có nhiều lễ hội diễn ra trên khắp cả nước, thu hút số lượng lớn người tham dự lễ hội và các hoạt động vui chơi, giải trí, mức độ sử dụng rượu bia của người dân và khách tham quan tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự ATGT. 

Ủy ban ATGT Quốc gia mong muốn người dân không lái xe khi đã uống rượu bia, để tác tác hại của uống rượu, bia không còn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, để không còn những con số thương vong do TNGT có nguyên nhân từ rượu bia vẫn diễn ra hàng ngày, đặc biệt trong dịp lễ, Tết", ông Hùng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại