Quả cầu vàng
Mới đây, một robot của cơ quan NOAA Ocean Exploration (trực thuộc chính phủ Mỹ) đã phát hiện 1 quả cầu vàng dính chặt trên một tảng đá màu trắng.
Quả cầu - chính xác hơn là cụm vật chất gần giống hình cầu có màu vàng ánh kim được dính chặt vào một tảng đá, và nó có đường kính 10 cm và có 1 lỗ ở phía dưới.
Hiện chưa rõ cụm vật chất này là gì. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu lưu ý: "Lỗ lớn và mặt bên trong khá bụi bặm nên có thể có thứ gì đó đã cố chui vào hoặc thoát ra khỏi cụm vật chất".
Một nhà nghiên cứu khác cho biết: "Tôi chỉ hy vọng khi chúng tôi chạm vào, nó sẽ không nhả ra thứ gì đó. Cảnh này giống như đoạn mở đầu của một bộ phim kinh dị".
Trứng hay kén?
Tuy nhiên gần như tất cả các nhà nghiên cứu đều cho rằng đây là kén hoặc trứng của một loài sinh vật nào đó, nhà sinh thái học biển sâu Kerry Howell thuộc Đại học Plymouth (Anh) lưu ý:
"Căn cứ vào kết cấu của nó, chúng tôi nghĩ rằng đây là một quả trứng. Nó có vẻ mới và không có bất kỳ cấu trúc giải phẫu rõ ràng nào cả, có một lỗ trên đó cho thấy có thứ gì đó đã đi vào hoặc đi ra.
Nếu đó là một quả trứng thì câu hỏi thú vị là nó là trứng của loài nào?
Vì nó khá lớn nên đây không phải là một quả trứng cá nhỏ. Đó là một sinh vật khá lớn".
Sử dụng cánh tay robot, các nhà nghiên cứu đã chạm vào cụm vật chất và thấy rằng nó khá mềm. Sau đó cụm vật chất đã được thu thập để tiến hành phân tích DNA, thứ giúp xác định sinh vật nào liên quan tới nó.
Thông thường các loài động vật sẽ đẻ lượng lớn trứng vào khu vực được gọi là ổ, còn ấu trùng thường tự tạo kén để lột xác, chính vì vậy bản thân cụm vật chất này cũng đặt ra nhiều câu hỏi rằng gọi nó là trứng hay kén thì đúng hơn.
Mặc dù đã xác định cụm vật chất này có nguồn gốc sinh học, nhưng chừng nào còn chưa có kết quả ADN chính xác, các nhà nghiên cứu chưa thể làm rõ được đây là gì và có liên quan tới sinh vật nào.
Dù sao thì có rất nhiều điều vẫn đang diễn ra ở những độ sâu mà con người chưa thể thâm nhập.