Từ lâu, giới thiên văn tin tưởng rằng Milky Way - tức thiên hà chứa Trái Đất - có một lỗ đen "quái vật" siêu lớn, siêu mạnh mẽ ở trung tâm gọi là Sagittarus A*.
Nhưng nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Eduar Antonio Becera-Vergara từ Trung tâm Vật lý thiên văn tương đối luận Quốc tế ở Ý khẳng định Sagittarus A* không phải lỗ đen, mà là một "quả cầu bóng tối", làm vằng "vật chất tối" - thứ vật chất bí ẩn, vô hình nhưng ngập đầy vũ trụ.
Ảnh đồ họa mô tả ngôi sao G2 đào thoát khi đi qua rất gần vật thể bí ẩn nằm ở trung tâm thiên hà chứa Trái Đất - Ảnh: ESO
Họ gọi thứ vật chất tối từ vật thể giả thuyết ấy là "hạt darkino". Tính chất các hạt này đã giúp tái tạo một mô hình phù hợp với những điều kỳ lạ đang xảy ra ở trung tâm thiên hà.
Theo Live Science, từ trước đến nay đã có những điều khó hiểu xảy ra nếu xem Sagittarus A* là một lỗ đen. Một ngôi sao khổng lồ quay rất gần nó là G2 đã tiến tới gần nó, nhưng, một cách khó hiểu, không bị "nuốt". Đó không phải "người qua đường" duy nhất mà Sagittarus A* đã bỏ qua. Một lỗ đen siêu khối với lực hút cực mạnh khó lòng có "cách hành xử" như vậy.
Theo nhóm nghiên cứu, quả cầu bóng tối thực sự mạnh, nhưng "êm dịu" hơn lỗ đen. Một ngôi sao có thể bị nhét vào đám mây khí quanh nó, nhưng lực hấp dẫn của ngôi sao vẫn đủ để giữ nguyên cấu trúc sao, thoát khỏi hành trình một cách an toàn.
Họ cũng hướng đến một giả thuyết tham vọng khác: các lỗ đen siêu khối không thực sự là lỗ đen, mà chỉ là một khối vật chất tối mờ. Nó tương tác với các ngoại vật và vô hình cũng giống như lỗ đen, nhưng không phải một "quái vật" nuốt chửng mọi thứ.
Nhiều nhà khoa học khác thì cho rằng lỗ đen quái vật Sagittarus A* sở dĩ không hung dữ, đơn giản vì nó đang ngủ đông.
Nghiên cứu độc đáo về quả cầu bóng tối vừa được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society Letters.