Đây chính là kết quả của nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Sayedeh Sara Sayedi từ Đại học Brigham Young ở Thành phố Salt Lake (Mỹ). Theo khảo sát từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), khối lượng khổng lồ metan và carbon hữu cơ này bị mắc kẹt dưới đáy Bắc Băng Dương, vốn là trầm tích đóng băng được bao phủ bởi 120 mét nước biển vào cuối Kỷ Băng hà khoảng 18.000 đến 14.000 năm trước.
Tuy nhiên, lớp trầm tích này nằm sâu dưới mặt nước biển – nơi con người khó có thể tiếp cận. Do vậy, chúng ta chỉ có một chút dữ liệu về lượng carbon và khí metan bị chôn vùi ở đó cùng tốc độ các loại khí này giải phóng ra bầu khí quyển ở trên.
Trong nghiên cứu mới được công bố, nhóm nghiên cứu đã cố gắng thu thập một bức tranh toàn cảnh về lớp băng vĩnh cửu dưới biển bằng cách sử dụng tất cả các dữ liệu hiện có. Song song đó, nhóm nghiên cứu cũng hợp tác với 25 chuyên gia chuyên nghiên cứu băng vĩnh cửu để ước tính lượng carbon hữu cơ ẩn trong mỗi lớp băng dưới biển một cách cụ thể nhất.
Kết quả, họ ước tính rằng lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Băng Dương hiện đang chứa khoảng 60 tỷ tấn mêtan và 560 tỷ tấn carbon hữu cơ. Cũng theo tính toán của nhóm nghiên cứu, có khoảng 140 triệu tấn carbon dioxide và 5,3 triệu tấn khí mêtan thoát ra từ lớp băng vĩnh cửu vào khí quyển mỗi năm.
Con số này gần tương đương với lượng khí thải carbon của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do quá ít dữ liệu nên những ước tính về lượng khí thải này vẫn chưa chính xác hoàn toàn.
Đáng chú ý, việc một lượng lớn carbon và khí metan được giải phóng khỏi băng vĩnh cửu không hẳn là do lỗi của con người. Hiện tượng này đã bắt đầu sau thời kỳ cực đại Băng hà cuối cùng, vào khoảng 20000 năm trước.
Tuy nhiên, hiện tượng biến đổi khí hậu và Trái Đất ấm lên có thể đẩy nhanh tốc độ thải ra của khí nhà kính từ Bắc Băng Dương.
Trong 300 năm tới, các chuyên gia tính toán tỷ lệ phát thải khí nhà kính từ lớp băng vĩnh cửu dưới đáy biển sẽ tăng lên đáng kể nếu lượng khí thải carbon từ các hoạt động của con người vẫn tiếp diễn như bình thường. Cụ thể hơn, nếu lượng khí thải do con người gia tăng trong suốt thế kỷ 21, lớp băng vĩnh cửu sẽ thải ra lượng khí nhà kính nhiều gấp 4 lần so với lượng khí thải bắt đầu cắt giảm vào cuối năm nay.
Song cũng phải nói thêm, sự gia tăng lượng khí nhà kính từ băng vĩnh cửu vẫn sẽ gia tăng trong vài thế kỷ tới, nhưng vẫn không nhanh đến mức khiến Trái Đất ngập tràn loại khí này trong thời gian ngắn.
Cụ thể, một số nghiên cứu trước đây từng đưa ra mối lo ngại rằng lượng khí metan và carbon hữu cơ này dưới lớp băng vĩnh cửu sẽ đột ngột được giải phóng nhanh chóng. Nhưng theo tác giả Sayedi, quá trình này sẽ diễn ra từ từ trong vài thế kỷ chứ không phải vài thập kỷ hay vài năm. Và chính con người sẽ quyết định tốc độ các khí nhà kính này rò rỉ.
Tham khảo Live Science