Trong chiến tranh, những bản kế hoạch được lập ra dù có chi tiết đến đâu song cũng không thể lường được hết những tình huống sẽ xảy ra trong thực tế. Và chính những tình huống ngoài kế hoạch ấy đôi khi mang lại những kết cục hết sức bất ngờ.
Bản kế hoạch hoàn hảo
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn I đảm nhiệm hướng tiến công từ phía Bắc vào Sài Gòn với mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu và khu các Bộ Tư lệnh binh chủng của quân đội VNCH.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định sử dụng Sư đoàn 320B được tăng cường binh khí kỹ thuật tiến công trên hướng chủ yếu của Quân đoàn, tổ chức đột phá thọc sâu vào giải phóng Sài Gòn, đánh chiếm Bộ tổng tham mưu, khu Bộ tư lệnh các binh chủng ở Gò Vấp và chi khu Gia Định.
Trên hướng tiến công thứ yếu, quân đoàn sử dụng Sư đoàn 312 được tăng cường binh khí kỹ thuật tiến công chia cắt, ngăn chặn, bao vây cô lập tiến tới tiêu diệt Sư đoàn 5 VNCH, không cho chúng co cụm hoặc rút chạy về Sài Gòn.
Bộ tư lệnh Quân đoàn nhấn mạnh: "Cả hai hướng tiến công đều hỗ trợ cho nhau, cùng thống nhất một mục đích thực hiện nhiệm vụ chính của Quân đoàn là đánh nhanh, đánh mạnh, táo bạo thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu được phân công trong thành phố Sài Gòn".
Về phía Sư đoàn 320B, sư đoàn trưởng Lưu Bá Xảo quyết định:
Sử dụng một phần lực lượng của Trung đoàn 27 kết hợp với bộ đội địa phương tiến công các cứ điểm phòng thủ vòng ngoài, thực hiện mở cửa để đưa lực lượng thọc sâu vào chiến đấu theo hai hướng.
Bộ đội Tăng Thiết giáp huấn luyện chiến đấu binh chủng hợp thành.
Hướng chủ yếu: Sử dụng Trung đoàn 48 được tăng cường xe tăng, xe bọc thép và được hỏa lực cấp trên chi viện tổ chức thành mũi thọc sâu bằng cơ giới, có nhiệm vụ phối hợp với đơn vị bạn nhanh chóng thọc sâu vào nội đô đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội VNCH.
Toàn bộ lực lượng thọc sâu ngồi trên các phương tiện cơ giới. Đơn vị dẫn đầu đội hình là Tiểu đoàn 1 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt - Anh hùng LLVTND chỉ huy ngồi trên xe tăng, xe thiết giáp và một số ô tô. Tổng số phương tiện cơ giới của hướng này là gần 200 xe.
Hướng thứ yếu: Sử dụng Trung đoàn 27 được tăng cường xe tăng, xe thiết giáp và được hỏa lực cấp trên chi viện tiến công quân địch ở Búng, Lái Thiêu rồi đột nhập nội đô đánh chiếm khu các Bộ Tư lệnh binh chủng ở Gò Vấp và Chi khu quân sự Gia Định.
Phương châm chung của các mũi hướng thọc sâu là vòng tránh, bỏ qua các mục tiêu nhỏ lẻ để hướng đến mục tiêu chủ yếu. Khi không thể vòng tránh thì sử dụng một lực lượng thích hợp tiêu diệt địch, còn đại bộ phận lực lượng vẫn nhanh chóng cơ động đánh chiếm mục tiêu chủ yếu.
Nói chung, đây là một kế hoạch khá hoàn hảo, đã được Bộ Tư lệnh quân đoàn và các cơ quan dày công xây dựng. Nếu thực hiện đúng, mũi thọc sâu của Trung đoàn 48 sẽ không phải đánh trận nào ở tuyến phòng thủ vòng ngoài mà sẽ dồn toàn bộ lực lượng để đột nhập nội đô và đánh chiếm mục tiêu Bộ Tổng Tham mưu VNCH.
Bộ đội Tăng Thiết giáp huấn luyện chiến đấu.
Tình huống ngoài dự kiến
Sau khi thực hiện cuộc hành quân "Thần tốc" vượt gần 2.000 km từ Ninh Bình vào có mặt tại miền Đông Nam Bộ để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, một trong những khó khăn đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn I là phải tác chiến trên một địa bàn mới lạ, không thông thuộc địa hình, đường sá.
Để giải quyết khó khăn này, Bộ Chỉ huy Miền đã bố trí các đồng chí cán bộ, chiến sĩ người địa phương dẫn đường cho quân chủ lực cơ động. Đội hình hướng thọc sâu của Trung đoàn 48 được một chiến sĩ Biệt động thành dẫn đường.
Đêm 28.4.1975, đội hình thọc sâu bắt đầu xuất phát. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt ngồi trên 1 chiếc xe tăng T-54 dẫn đầu đội hình. Khi đến một ngã ba, anh hỏi người dẫn đường: "Đi đường nào?" thì té ngửa bởi câu trả lời: "Tôi không biết!".
Tiểu đoàn trưởng Hoạt hỏi cho rõ thêm thì được biết: "Là biệt động thành, chỉ biết đường nội đô, còn ngoài này thì chịu!". Thật là một tình huống oái oăm, dẫn đường lại không biết đường. Tình huống ngoài kế hoạch đầu tiên đã xuất hiện.
Sau khi xem xét kỹ trên bản đồ, ngoài thực địa và báo cáo cấp trên, Tiểu đoàn trưởng Hoạt chọn con đường bên trái. Đó là một con đường có vẻ tốt hơn, đủ khả năng cơ động cho xe tăng, xe cơ giới các loại.
Tuy nhiên, không ai nghĩ việc lựa chọn con đường đó đã dẫn đội hình tới thẳng Chi khu quân sự Tân Uyên. Bọn địch ở đây đã tiếp đón mũi thọc sâu rất nhiệt tình, 1 xe tăng K63-85 trúng tên lửa chống tăng bốc cháy, các chiến sĩ trên xe đều hy sinh. Hỏa lực địch còn làm một số bộ binh bị thương.
Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong ngày chiến thắng.
Không thể vòng tránh, không thể bỏ qua, chỉ còn một lựa chọn duy nhất: Đánh để mở thông đường. Và trận đánh ngoài kế hoạch đã nổ ra.
Sau khi tạm dừng tìm vị trí ẩn nấp tránh hỏa lực địch, qua điện đài tiểu đoàn trưởng Hoạt đã thống nhất phương án tác chiến trong đơn vị và báo cáo cấp trên, đồng thời đề nghị hỏa lực cấp trên chế áp quân địch.
Sau khoảng 10 phút hỏa lực chuẩn bị - trong đó có cả pháo cao xạ 37mm hạ nòng bắn thẳng, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 48 chia thành 3 mũi đồng loạt xung phong đánh chiếm chi khu. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt ngồi trên xe tăng trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên hướng chính diện.
Lúc này, phía VNCH đưa máy bay đến chi viện. Chúng sà xuống ném các loại bom vào đội hình mũi thọc sâu ở phía sau. Tuy nhiên, chúng đã không còn làm chủ bầu trời. Những loạt đạn cao xạ thẳng căng và tên lửa phòng không vác vai A72 đã đánh bật chúng lên cao, hầu hết bom đạn rơi vào chỗ trống.
Sau khoảng 40 phút chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ chi khu quân sự Tân Uyên, đánh tan Tiểu đoàn bảo an 316, bắt sống tiểu đoàn trưởng và 35 tên khác, thu 25 xe quân sự, 2 pháo 105mm cùng nhiều trang bị khác. Và điều quan trọng nhất: Đường về giải phóng Sài Gòn đã thông!
Ngay lập tức, đội hình mũi thọc sâu tràn lên nhằm thẳng hướng Sài Gòn và trưa 30.4.1975, họ đã làm chủ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu quân VNCH như kế hoạch đã đề ra.
Những tình huống xảy ra ngoài kế hoạch thường là hết sức bất ngờ. Tuy nhiên, nếu cán bộ chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, được rèn luyện thường xuyên thì cũng không phải là điều gì quá đáng ngại.
(Ghi theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Như Hoạt, Anh hùng LLVTND, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B)