Trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn Chính phủ Qatar Sheikh Saif bin Ahmed Al-Thani cáo buộc Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã can thiệp sâu vào các công việc nội bội của Qatar.
Ông Sheikh Saif cũng nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Qatar được lập từ bên ngoài là điều "không thể chấp nhận được."
Cũng theo ông Sheikh Saif, việc 4 quốc gia Arab nói trên hôm 25/7 vừa qua đưa ra "tối hậu thư" mới khi công bố "danh sách đen" gồm các tổ chức và cá nhân có mối liên hệ với Qatar và liệt các đối tượng này là "phần tử khủng bố" do có các quan hệ mờ ám với Hồi giáo cực đoan, sẽ gây cản trở cho tiến trình tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Vịnh.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Doha luôn đối thoại cởi mở và sẵn sàng đàm phán khi 4 nước Arab dỡ bỏ "danh sách đen" nói trên, cũng như khi chủ quyền và nền độc lập của quốc gia này không bị xâm phạm.
Ngày 5/6 vừa qua, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.
Phía Doha luôn phủ nhận cáo buộc này. Các nước trên sau đó đưa ra một "tối hậu thư" gồm 13 điểm, đồng thời đặt ra hạn chót để Doha đáp ứng các yêu cầu này.
Yêu cầu của các nước Arab bao gồm việc đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Ngoại trưởng Qatar Al-Thani khẳng định danh sách yêu cầu mà Saudi Arabia cùng các nước đồng minh gửi tới Qatar là "phi thực tế và không thể thực hiện được."
Mới đây nhất, hôm 25/7 vừa qua, 4 nước Arab nói trên còn công bố "danh sách đen" gồm 18 tổ chức và cá nhân có mối liên hệ với Yemen, Qatar và Libya, liệt các đối tượng này là "phần tử khủng bố."
Trong số này, có 3 công dân Qatar bị cáo buộc liên quan hoạt động "gây quỹ ủng hộ Jabhat al-Nusra và nhiều phần tử khủng bố ở Syria."
Phản ứng trước động thái này, Doha cho rằng "danh sách đen" nói trên không có cơ sở thực tế và xâm phạm chủ quyền của Qatar./.