Lực lượng đặc nhiệm Badri của Taliban được triển khai tại sân bay ở Kabul, Afghanistan, ngày 31/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo một nguồn thạo tin, mặc dù chưa có thỏa thuận cuối cùng nào đạt được trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nhóm kỹ thuật của Qatar bắt đầu cuộc thảo luận dựa trên yêu cầu của Taliban.
Hiện các cuộc đàm phán xoay quanh vấn đề an ninh và hoạt động của sân bay nhằm nối lại các chuyến bay viện trợ nhân đạo và đảm bảo quyền tự do đi lại, trong đó có nỗ lực tiếp tục sơ tán.
Trên Twitter, truyền thông Arab dẫn lời một người phát ngôn Taliban cho biết đã "chính thức yêu cầu Qatar hỗ trợ quản lý sân bay càng sớm càng tốt".
Tính đến ngày 31/8 - thời điểm Mỹ rút toàn bộ quân, hơn 123.000 công dân nước ngoài và người Afghanistan đã rời khỏi quốc gia Tây Nam Á này bằng đường hàng không.
Giới chức Mỹ cho biết tình trạng sân bay Kabul rất xấu, phần lớn cơ sở hạ tầng cơ bản xuống cấp hoặc bị phá hủy.
Qatar đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa Taliban và Mỹ trong những năm gần đây và là điểm trung chuyển cho khoảng 43.000 người sơ tán khỏi Afghanistan.
Trong khi đó, lực lượng kháng chiến tại tỉnh Panjshir, Đông Bắc Afghanistan, tuyên bố tiếp tục chiến đấu chống lại Taliban sau khi các cuộc đàm phán giữa hai bên không mang lại kết quả.
Lực lượng Mặt trận kháng chiến quốc gia (NRF) nhấn mạnh: "Sau khi đàm phán thất bại cùng cuộc tấn công mới nhất của Taliban, chúng tôi quyết định chấm dứt đàm phán và tiến hành chiến đấu chống Taliban cùng các khu vực khác của Afghanistan". NRF cũng cho biết đã từ chối đề nghị của Taliban về việc trao cho lực lượng này từ 1-2 ghế trong chính phủ đang được thành lập.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Taliban Mohammad Naeem khẳng định lực lượng này sẽ không đánh chiếm Panjshir, phủ nhận thông tin lãnh đạo phe kháng chiến tuyên bố đàm phán thất bại và Taliban đang có kế hoạch tấn công mở đường vào tỉnh.
Kể từ khi Taliban kiểm soát Kabul ngày 15/8 vừa qua, Panjshir vẫn là tỉnh duy nhất lực lượng này không giành được quyền kiểm soát.