Qatar rút khỏi OPEC: Vừa kịp bảo vệ bản thân, vừa tung đòn hạ gục người hàng xóm giàu có

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Các nhà quan sát đều cho rằng đây là quyết định bất ngờ của Qatar. Hoàn toàn không phải như vậy, mà đây là một quyết định có tính toán kỹ của ban lãnh đạo Qatar.

Ngày 3/12/2018, Bộ trưởng Năng lượng kiêm Giám đốc điều hành của Công ty dầu mỏ Qatar Saad Al-Kaabi đã tuyên bố Qatar quyết định rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ tháng 1/2019.

Tuyên bố này được đưa ra hai ngày trước cuộc họp quan trọng của OPEC được tổ chức tại Viena để bàn thảo một chiến lược nhằm giảm sản lượng để ngăn chặn sự sụp đổ chưa từng có của giá dầu trong vòng hai tháng nay đã giảm 30% từ 86 USD/thùng tháng 10 xuống còn dưới 60 USD/thùng hiện nay và phân bổ hạn ngạch mới cho các nước thành viên.

Các nhà quan sát chính trị trên thế giới đều cho rằng đây là quyết định bất ngờ của Qatar. Hoàn toàn không phải như vậy, mà đây là một quyết định có tính toán kỹ của ban lãnh đạo Qatar.

Thực hiện các mục tiêu chính trị

Ông Saad Al-Kaabi nói rằng đây hoàn toàn là một quyết định mang tính chất kinh tế, Qatar muốn tập trung vào việc sản xuất khí hoá lỏng là ngành kinh tế mũi nhọn của mình. Qatar là quốc gia xuất khẩu khí hoá lỏng lớn nhất thế giới với kim ngạch 77 triệu tấn/năm và có kế hoạch tăng lên 110 triệu tấn vào năm 2024.

Qatar rút khỏi OPEC: Vừa kịp bảo vệ bản thân, vừa tung đòn hạ gục người hàng xóm giàu có  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Năng lượng Saad Al-Kaabi đã tuyên bố Qatar quyết định rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ từ 1/2019. Ảnh: Reuters

Đúng là Qatar có kế hoạch như vậy, nhưng việc Qatar quyết định rút khỏi OPEC vào lúc này là không thể không mang động cơ chính trị, bởi vì Qatar gia nhập và đóng vai trò tích cực trong tổ chức OPEC từ năm 1961 đến nay và với sàn lượng dầu thô 600.000 thùng/ngày, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong nến kinh tế quốc dân thì việc ở lại OPEC không cản trở gì đến chương trình sản xuất và xuất khẩu khí đốt của mình.

Quyết định của Qatar rút khỏi OPEC vào thời điểm này phải được nhìn nhận trong bối cảnh quan hệ hết sức căng thẳng giữa Qatar với Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Ai Cập vẫn duy trì cuộc phong tỏa và cấm vận Qatar từ hơn một năm nay.

Nếu quan hệ giữa Qatar và các nước này không ở trong tình trạng khủng hoảng như hiện nay thì chắc chắn Qatar đã không đi đến quyết định rút khỏi OPEC.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng việc Qatar quyết định rút khỏi OPEC là một đòn đánh vào Ả Rập Saudi. Doha có nhiều phương án để chống lại Riyadh, trong đó có việc thuê lobby (vận động hành lang) ở Mỹ để gây sức ép với Ả Rập Saudi, tăng cường ủng hộ phe Houthi ở Yemen và hoạt động làm suy yếu vai trò và vị trí của Ả Rập Saudi trong các cơ quan và tổ chức quốc tế.

Qatar cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để làm suy yếu vị trí của Riyadh bởi vì Ả Rập Saudi đang vướng nhiều khó khăn và sức ép quốc tế sau vụ sát hại nhà báo J. Khashoggi.

Rút khỏi OPEC, Qatar muốn gửi thông điệp mạnh mẽ tới Riyadh trong bối cảnh đang có nhiều mâu thuẫn giữa các nước tại khu vực, thậm chí các nước đồng minh của Riyadh cũng lên án việc giết hại dã man J. Khashoggi và không phải ai cũng hài lòng về thỏa thuận giữa Ả Rập Saudi và Nga về cắt giảm sản lượng dầu mỏ.

Qatar cho rằng, các quyết định của Ả Rập Saudi và Nga hoàn toàn mang tính chất đơn phương, không ai bị ràng buộc phải thực hiện các thỏa thuận này cả.

Các thành viên OPEC mất đoàn kết, vai trò OPEC suy giảm

Qatar cho rằng thời gian gần đây vai trò của OPEC đã suy giảm không thể đưa ra được các quyết định độc lập. Mặc dù cuộc họp của tổ chức này tháng 10/2018 vừa qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng việc phân chia hạn ngạch cho từng nước thành viên không dễ dàng, dầu vẫn được bơm ra thị trường mà không có ai kiểm soát được.

Ả Rập Saudi, Mỹ và Nga có trữ lượng và sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới với trên dưới 11 triệu thùng/ngày mỗi nước là ba quốc gia đang quyết định giá dầu trên thị trường hiện nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng ba nước này sẽ kiểm soát giá dầu thay OPEC.

Qatar rút khỏi OPEC: Vừa kịp bảo vệ bản thân, vừa tung đòn hạ gục người hàng xóm giàu có  - Ảnh 2.

Không phải ngẫu nhiên ngay sau khi kết thúc cuộc họp OPEC sẽ có cuộc họp "OPEC+" gồm các nước thành viên và một số đại gia dầu mỏ ngoài OPEC để thỏa thuận về việc có tiếp tục gia hạn quyết định giảm sản lượng hay không và giảm như thế nào?

OPEC chưa bao giờ đứng trước khó khăn và tình trạng chia rẽ như hiện nay. Câu hỏi đặt ra ở đây là bản thân các nước OPEC mâu thuẫn nội bộ thì liệu cuộc họp "OPEC+" có đạt được thỏa thuận hay không?

Theo các chuyên gia dầu mỏ, các nước "OPEC+" có thể sẽ phải hoãn đưa ra quyết định gia hạn giảm sản lượng dầu thô, nếu Nga không chấp nhận các điều kiện của OPEC.

Theo các nguồn tin của OPEC, các nước "OPEC+" đang hết sức cố gắng để đạt được thỏa thuận giảm sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày trong số 32,9 triệu thùng/ngày OPEC sản xuất trong tháng 10 vừa qua.

Các cuộc thương lượng Viena sẽ hết sức khó khăn

Các cuộc thương lượng sắp tới sẽ không dễ dàng chút nào do thái độ cứng rắn của Nga. Việc Nga chống lại việc giảm sản lượng hiện nay là trở ngại chính cho việc đạt được thỏa thuận của "OPEC+".

OPEC đòi Nga phải cắt giảm 250 thùng/ngày, nhưng đến nay Nga chỉ đồng ý cắt giảm 140.000 thùng/ngay thôi.

Trong bối cảnh giá dầu đang giảm mạnh, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, Mỹ tăng sản lượng, Ả Rập Saudi là nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC đang bị sức ép của Tổng thống D. Trump tăng sản lượng bù đắp vào thiếu hụt do cấm vận Iran để giảm giá dầu hơn nữa .....nếu không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng thì giá dầu sẽ còn tiếp tục lao dốc.

Qatar rút khỏi OPEC không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế của họ vì sản lượng dầu thô của Qatar chỉ chiếm 2% tổng sản lượng OPEC.

Vấn đề ở đây là trong tình hình hiện nay, sau Qatar sẽ còn nước nào rút ra khỏi tổ chức này và bước tiếp theo liệu Qatar có quyết định rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) hay không?

Trên thực tế Qatar không những không còn lợi ích gì trong GCC mà còn bị một nửa các nước thành viên tẩy chay.

Một số thông tin về Qatar

Tuyên bố độc lập: 1/9/1971

Diện tích: 11,581 km2

Dân số : 2,6 triệu người

Tổng thu nhập quốc nội GDP danh nghĩa: 357,4 tỷ USD

Bình quân đầu người: 129.000 USD (cao nhất thế giới)

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại