Chia sẻ với Sputnik trong một bài phỏng vấn, đại sứ Qatar tại Nga, ông Fahad Mohammed Attiyah cho hay, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang tác động tới quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nga và Qatar. Nói cách khác, việc Qatar bị các nước láng giềng Ả Rập cô lập đã giúp Moscow trở thành một trong những đối tác kinh tế chủ chốt của Doha.
"Chúng tôi đang xây dựng một viễn cảnh kinh tế mới trong đó tăng cường mối quan hệ đối tác hiện thời với Nga và nhiều quốc gia khác đồng thời tạo dựng một nền kinh tế linh hoạt hơn đòi hỏi khả năng tự cung tự cấp cao hơn. Và Nga rõ ràng là một trong những quốc gia Qatar sẽ hợp tác và là một trong những đối tác lớn của Qatar trong kế hoạch kinh tế tương lai", đại sứ Attiyah nói.
Nhà phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu Phát triển cách tân ở Moscow, ông Anton Mardasov thì cho rằng, điều Qatar cần làm hiện giờ là thiết lập quan hệ đồng minh với một số quốc gia cụ thể.
"Tuyên bố của đại sứ Qatar tại Nga hàm chứa nhiều thông điệp chính trị hơn là kinh tế. Bởi trong hoàn cảnh hiện nay, Qatar cần các nước thiết lập quan hệ chính trị để tránh rơi vào cảnh bị cô lập", ông Mardasov nói.
Cũng theo ông Mardasov, Doha hiện muốn chứng minh mối quan hệ giữa quốc gia này với Moscow còn vượt ngoài cả phạm vi liên lạc chính trị.
Nhà phân tích chính trị Nadana Fridriksson cũng có chung quan điểm với ông Mardasov. Theo bà Fridriksson, trong bối cảnh bị các nước láng giềng Ả Rập cô lập, Qatar hiểu rằng quốc gia này không có nhiều đồng minh do đó Doha sẽ tiếp tục hướng tới Nga.
"Nếu tình trạng Qatar bị các nước vùng Vịnh tiếp tục cô lập, Doha sẽ phải xây dựng các mối quan hệ đồng minh mới", bà Fridriksson chia sẻ.
Ông Mardasov còn nhấn mạnh, Nga và Qatar có đầy tiềm năng phát triển quan hệ đối tác kinh tế. Bởi hai quốc gia này đã thực hiện nhiều dự án chung trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Ngoài ra, Doha cũng từng mua cổ phần trong tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga.
Ông Mardasov cho rằng, trong giai đoạn bị cô lập, hoạt động liên lạc chính trị giữa Moscow và Doha có thể tạo đà cho việc thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế lớn hơn. Tuy nhiên, việc hai quốc gia này tiến tới các dự án quy mô lớn hơn vẫn khó có thể xảy ra.
Còn theo bà Fridriksson, Nga và Qatar đã tiến hành đàm phán về các dự án đầu tư từ khá lâu trước khi Doha bị các nước vùng Vịnh cô lập. Do đó, các khoản đầu tư của Qatar vào nền kinh tế Nga có thể trở thành ưu tiên trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và khí đốt là yếu tố quan trọng nhất.
"Qatar và Nga là những đối thủ cạnh tranh của nhau nhưng nếu bắt tay hợp tác, họ có thể cùng khai thác thị trường châu Âu", bà Fridriksson nhận định.
Bà Fridriksson cũng nhấn mạnh phạm vi hợp tác giữa Nga và Qatar không chỉ gói gọn trong lĩnh vực kinh tế bởi hai nước còn có những mối quan tâm chính trị chung.
Thứ nhất, quan hệ giữa Nga và Qatar có thể xuất phát từ mối lo chung về tình hình Syria.
"Chúng tôi đang đặc biệt quan tâm tới toàn bộ những thông tin mà Qatar nắm trong tay. Quan trọng nhất là thông tin về nguồn tài chính của các nhóm phiến quân. Nếu Doha chia sẻ thông tin này với Nga, Moscow sẽ giành được ưu thế vô cùng lớn ở Syria", bà Fridriksson nói.
Bên cạnh đó, theo ông Mardasov, cuộc khủng hoảng ở Libya có thể là lý do thứ hai giúp Nga và Qatar xích lại gần nhau. Bởi hiện tại, Nga đang duy trì liên lạc với Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội quốc gia Libya đồng thời giúp ông này thỏa hiệp với ông Fayez al-Sarraj, Chủ tịch Hội đồng chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli, để tiến tới hòa giải dân tộc tại Libya. Nói cách khác, nhờ mối quan hệ của Qatar, Moscow hoàn toàn có thêm cơ hội liên lạc với ông Fayez al-Sarra.
Tóm lại, việc hợp tác với Qatar sẽ không chỉ giúp Nga củng cố thêm vị trí ở Trung Đông mà còn giúp Moscow trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Doha.