PV Việt Nam và cuộc gặp với chuyên gia Nga - người khuyên mua trực thăng tấn công Ka-52

Bình Nguyên |

Hai lần là PV Việt Nam duy nhất được mời sang Nga tham dự các Triển lãm về vũ khí, tôi đã may mắn gặp chuyên gia Dmitry Shorkov, người vừa khuyên VN mua trực thăng tấn công Ka-52.

PV Việt Nam từng gặp chuyên gia Nga

Cơ duyên được gặp gỡ và trao đổi với chuyên gia Dmitry Shorkov thật là quý giá. Ông chính là biên tập viên kỳ cựu của ban tiếng Việt báo Sputnik (Nga) - người gần đây liên tục có những dự báo về khả năng mua sắm vũ khí Nga của Việt Nam trong tương lai.

Tôi không nghi ngờ gì về lời khuyên của ông, bởi lẽ, không chỉ nói tiếng Việt rất tốt, am hiểu về văn hóa, lịch sử, tình hình địa - chính trị và kinh tế của Việt Nam, mà còn nắm rõ, tường tận về nghệ thuật quân sự trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta cũng như sự trưởng thành và lớn mạnh của QĐND Việt Nam trong liên tục nhiều năm qua.

Hơn thế, chính ông đã nhiều lần được bay ra thềm lục địa phía Nam hồi cuối những năm 1980 và đầu 1990 trên dòng trực thăng Mi do Nga chế tạo dưới sự điều khiển của phi công Việt Nam trong điều kiện liên lạc, dẫn đường còn gặp nhiều khó khăn. Ấn tượng lớn nhất mà ông kể với tôi là phi công chiến đấu, trong đó có phi công trực thăng Việt Nam rất giỏi.

Là người Việt, tôi có quyền tự hào về những thế hệ phi công xuất sắc của Tổng công ty trực thăng Việt Nam, vốn được biết đến dưới tên gọi thân thương Binh đoàn 18 - Binh đoàn Hải Âu.

Vì thế, dường như, Dmitry Shorkov kết duyên với ban tiếng Việt của báo Sputnik nối tiếng bậc nhất ở Nga và chuyên về mảng quốc phòng Việt Nam là duyên số. Cá nhân tôi khâm phục ông, một người Nga đôn hậu, giản dị nhưng lại yêu quí dải đất có hình chữ S nhiều đến vậy.

PV Việt Nam và cuộc gặp với chuyên gia Nga - người khuyên mua trực thăng tấn công Ka-52 - Ảnh 1.

PV Bình Nguyên và chuyên gia Dmitry Shorkov vui mừng gặp gỡ tại Nhà máy Chế tạo Trực thăng Mil Moscow, Nga. Ảnh: Bình Nguyên.

Lời khuyên chí lý, nhưng...

Quay trở lại chủ đề chính, sau khi trực thăng vũ trang Mi-24 bị loại biên, đến nay trong biên chế của Không quân Việt Nam vẫn chưa được bổ sung bất cứ dòng máy bay lên thẳng tấn công nào tương tự, mặc dù đây đó đã có đồn đoán rằng Việt Nam sẽ sớm mua.

Thậm chí các dòng trực thăng tấn công Mi-28 "Thợ săn đêm" hay Ka-52 "Cá sấu Mỹ" còn được nhiều nguồn tin đánh giá là những ứng viên nặng ký.

Mới đây nhất, chuyên gia Dmitry Shorkov, trong bài viết của mình (sau đó được nhiều báo trong nước trích dẫn lại), ông đã dự báo về tương lai mua sắm vũ khí Nga của Việt Nam, và một lần nữa gợi ý rất sát rằng trực thăng tấn công Ka-52 mới là lựa chọn hàng đầu của Không quân Việt Nam.

PV Việt Nam và cuộc gặp với chuyên gia Nga - người khuyên mua trực thăng tấn công Ka-52 - Ảnh 2.

Trực thăng tấn công Ka-52 - Sát thủ diệt tăng của Nga.

Mặc dù chưa giải thích cụ thể lý do tại sao lại đưa ra lời khuyên như vậy, nhưng một lần nữa, tôi tin ông hoàn toàn có cơ sở để nhận định như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ ông "gợi ý" là do:

Thứ nhất, Việt Nam đang thiếu hụt khả năng tiến công đường không chính xác và yểm trợ hỏa lực tầm gần dành các lực lượng mặt đất nên có nhu cầu phải bổ sung, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Thứ hai, uy lực tấn công của trực thăng vũ trang Ka-52 quá tuyệt vời. Đây là điều không thể bàn cãi. Ka-52 "Cá sấu Mỹ" có hỏa lực mạnh với tên lửa chống tăng tầm xa cùng nhiều loại vũ khí đánh đất có uy lực lớn kèm theo hệ thống trinh sát mục tiêu và điều khiển hỏa lực tối tân.

Đó là chưa kể, Ka-52 còn có thể mang tên lửa diệt hạm với tầm bắn xa và sức công phá lớn, đủ để hủy diệt các tàu chiến, tàu vận tải mặt nước có lượng choán nước tới 5.000 tấn. Đây là điều mà trực thăng Mi-28, loại cũng rất hiện đại của Nga không thể làm được.

PV Việt Nam và cuộc gặp với chuyên gia Nga - người khuyên mua trực thăng tấn công Ka-52 - Ảnh 3.

Trực thăng tấn công Ka-52 của Nga. Ảnh: Airliners.net.

Hoạt động độc lập (cất, hạ cánh bãi ngoài với điều kiện chuẩn bị đơn giản), xuất kích bất ngờ, ra đòn chuẩn xác là một trong những ưu điểm vượt trội của trực thăng tấn công Ka-52, đặc biệt phù hợp với nghệ thuật "phòng tránh, đánh trả" và "hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung" mà Việt Nam thường áp dụng.

Thứ ba, công tác đảm, bảo kỹ thuật tương đối đơn giản, nhưng hoạt động ổn định, đáng tin cậy là điều mà Ka-52 được các phi công Nga thừa nhận, rất phù hợp với quan điểm "giữ tốt, dùng bền" mà Việt Nam đã và đang triệt để áp dụng.

Tại chiến trường khốc liệt Syria, Ka-52 đã thể hiện hoàn hảo vai trò của mình trong lần đầu tiên ra mắt thử lửa.

Cuối cùng, mặc dù đơn giá mua ban đầu của trực thăng tấn công Ka-52 không hề rẻ, theo một số ước tính có thể lên tới 25-30 triệu USD mỗi chiếc, nhưng nếu Việt Nam quyết tâm bổ sung hỏa lực chống tăng cơ động, yểm trợ gần cho lục quân và nhất là khai tác tối đa khả năng diệt tàu chiến khi có xung đột trên biển thì rõ ràng nó là ứng viên hoàn hảo.

Có thể trong ngắn hạn, với ngân sách còn eo hẹp và có nhiều ưu tiên cấp thiết hơn, Ka-52 hay bất cứ loại trực thăng vũ trang nào khác sẽ còn phải xếp hàng sau, nhưng dòng máy bay lên thẳng có cánh quạt đồng trục kèm theo hỏa lực mạnh, hệ thống điện tử hàng không tối tân này đáng để Việt Nam cân nhắc một khi đủ điều kiện mua sắm trực thăng tấn công.

Trực thăng tấn công Ka-52, niềm tự hào của Nga.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại