KQ Lào chuyển hướng mua sắm máy bay Trung Quốc
Không quân Lào được đánh giá là một lực lượng có quy mô tương đối nhỏ bé, cũng tương tự như quy mô Quân đội Giải phóng nhân dân Lào (viết rút gọn QĐND Lào) vậy. Đồng thời, truyền thông thế giới cũng rất ít nhắc đến lực lượng này do vậy, Không quân Lào dường như khá bí ẩn đối với không chỉ quốc tế mà còn cả đối với người dân Lào.
Tuy nhiên, khi tác nghiệp tại Lào nhân sự kiên Công ty Trực thăng Nga (Russian Helicopters) chuyên giao 4 chiếc trực thăng họ Mi (2 Mi-17 và 2 Mi-171V) sau đại tu, sửa chữa lớn cho Không quân Lào, chúng tôi, các phóng viên Việt Nam đã may mắn được thấy nhiều điều thú vị, trong đó có những chiếc trực thăng và máy bay vận tải do Trung Quốc sản xuất.
Được biết, từ giữa những năm 1990 trở về trước, QĐND Lào nói chung và Không quân Lào nói riêng có truyền thống sử dụng vũ khí có nguồn gốc từ các nước Liên Xô và Đông Âu, tuy nhiên sau đó họ đã mở rộng sang sử dụng vũ khí Trung Quốc bên cạnh việc đặt mua mới một số trang bị mới từ Nga, Ukraine.
Theo cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí quốc tế của Viện Nghiên cứu hòa bình thế giới Stockholm (SIPRI) thì sự hiện diện của các loại máy bay do Trung Quốc chế tạo trong Không quân Lào đã bắt đầu từ năm 1990 khi lần đầu tiên tiếp nhận máy bay vận tải quân sự Y-7 (phiên bản Y-7-100).
Các máy bay Trung Quốc đã được Không quân Lào đặt mua trong giai đoạn 1990-2017. Nguồn: SIPRI.
Tiếp đó, Không quân Lào đặt mua 2 trực thăng Z-9A (phiên bản copy của dòng trực thăng AS365/AS565 do châu Âu chế tạo) từ Trung Quốc năm 2006 và nhận bàn giao năm 2008. Tuy nhiên, số lượng thực tế đã chuyển giao có thể lên tới 4 chiếc.
Một thay đổi được cho là khá lớn nữa của KQ Lào với Trung Quốc đó là 2 hợp đồng đặt mua tổng cộng 4 máy bay vận tải MA-600 do Trung Quốc chế tạo nhưng sử dụng động cơ PW127 do Canada sản xuất.
Gần đây nhất, Không quân Lào cũng mua 9 máy bay hạng nhẹ LE-500 Little Eagle của Trung Quốc. Hợp đồng ký năm 2015 và tới năm 2017, toàn bộ các máy bay này đã được bàn giao và dường như nhiệm vụ của loại máy bay 2 chỗ ngồi song song này là để huấn luyện phi công sơ cấp và làm một số nhiệm vụ khác như trinh sát, tìm kiếm chỉ thị mục tiêu.
Tận mắt thấy trực thăng Trung Quốc ở Lào
Trực thăng Harbin Z-9A do Trung Quốc sản xuất của Không quân Lào. Ảnh: Xuân Hoàng.
Tại sân bay quốc tế Wattay ở Thủ đô Vientiane cũng là căn cứ lớn nhất của KQ Lào, phóng viên Việt Nam đã được chứng kiến không chỉ trực thăng Nga (Mi-17 và Mi-171V) bay huấn luyện mà còn chứng kiến cả trực thăng Harbin Z-9A do Trung Quốc chế tạo cùng bay.
Đứng bên cạnh trực thăng họ Mi thì Z-9A có kích thước nhỏ hơn và khả năng chuyên chở ít hơn nhiều, chỉ là 10 hành khách hoặc 1.900kg so với 24 lính hoặc 12 cáng cứu thương hoặc 4.000kg của Mi-17.
Tầm bay, tốc độ hành trình của 2 loại này là gần tương đương nhau (800-1000km và 260km/h), tuy nhiên, trực thăng Trung Quốc hoạt động êm hơn với tiếng ồn ít hơn so với Mi-17.
Máy bay trực thăng Z-9A do Trung Quốc sản xuất của Không quân Lào tại căn cứ sân bay Wattay
Chúng tôi đứng từ cách xa khoảng 600-700m chứng kiến 2 loại cùng bay thì âm thanh phát ra từ Mi-17 nghe khá rõ, còn Z-9A chỉ vo ve chứ không quá ồn ào. Cả trực thăng Nga và trực thăng Trung Quốc đều có khả năng mang vũ khí nhẹ để làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực gần cho các lực lượng mặt đất.
Không may mắn như các máy bay trực thăng, các máy bay vận tải quân sự mà Lào mua của Trung Quốc có tình trạng khá tệ. Chiếc máy bay Y-7-100 duy nhất đã bị loại biên từ lâu, đáng ra phải thành sắt vun rồi, nhưng không hiểu sao nó vẫn hiên ngang chiếm 1 chỗ ở bãi đậu của căn cứ không quân Wattay.
Chiếc Y-7-100 do Trung Quốc chế tạo lấp ló đằng sau các ông phóng rocket của trực thăng Mi-171V mà Công ty Trực thăng Nga (Russian Helicopters) vừa sửa chữa thành công và bàn giao cho Không quân Lào. Ảnh: Xuân Hoàng
Chiếc Y-7-100 do Trung Quốc chế tạo dường như đã trở thành sắt vụn. Ảnh: Xuân Hoàng
Một số máy bay vận tải MA-60 (trong đội bay của Laos Airlines) cũng ở tình trạng tồi tệ tương tự và có lẽ chúng chỉ còn để làm cảnh.
Máy bay vận tải MA-60 do Trung Quốc chế tạo. Ảnh: Xuân Hoàng
Điểm lạ là mặc dù dòng MA-60 bị nhiều tiếng xấu do liên tiếp gặp phải các vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhưng vẫn được Không quân và các hãng hàng không Lào đặt mua.
Cụ thể, theo điều tra của Wall Street Journal (2013) cho thấy MA-60 – máy bay đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, gặp nhiều trục trặc về thiết bị hạ cánh, phanh và tay lái.
Có ít nhất 3 chiếc MA-60 của Laos Airlines bị "xếp xó" tại căn cứ không quân Wattay.
Trong 57 chiếc MA-60 đã xuất khẩu, tính đến tháng 1 năm 2014, ít nhất 26 đã bị "xếp xó" do không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, gặp vấn đề khi bảo dưỡng hay các trục trặc khác.
Merpati Nusantara Airlines của Indonesia từ năm 2007 đã mua tổng cộng 14 chiếc MA60. Sau đó, họ chính thức ngừng sử dụng chúng vào năm 2013, sau khi những máy bay này gây ra 6 tai nạn cho hãng. Sau hơn 6 năm đã phải vứt bỏ cho thấy mức độ an toàn và tuổi thọ của dòng máy bay này không cao.
Mặc dù tại Lào, chưa có báo cáo nào nghiêm trọng liên quan tới tai nạn của các máy bay MA-60, nhưng dường như chúng đang bị loại bỏ một cách không thương tiếc, giống như hãng Merpati Nusantara Airlines của Indonesia vậy.
4 máy bay vận tải MA-600 (phiên bản mới của MA-60) mà Không quân Lào đưa vào trang bị trong các năm 2012-2013 được cho là rất ít hoạt động và phóng viên Việt Nam không thấy hiện diện ở căn cứ không quân Wattay.
Có thể các máy bay này đóng quân ở một căn cứ sân bay khác và dường như những bức ảnh mới nhất về chúng trong màu sơn và phù hiệu của Không quân Lào được nhìn thấy là từ năm 2013.
Toàn cảnh trực thăng Mi-171V biểu diễn tại sân bay Wattay Lào.