Gặp lại người quen
Cùng nhóm phóng viên quốc tế có mặt tại Triển lãm Army-2018 trong khuôn khổ Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế ARMY-2018, một lần nữa tôi lại cảm thấy choáng ngợp vì quy mô hoành tráng cùng với những vũ khí trang bị hết sức hiện đại mà CNQP Nga đem tới trưng bày ở đây.
Tại khu trưng bày ngoài trời của Công ty trực thăng Nga (Russian Helicopters, thành viên của Tập đoàn Rostec), nhận thấy tôi từ xa, ông Dmitry Titarenko — Giám đốc bán hàng của Nhà máy trực thăng Rostvertol (thuộc Công ty trực thăng Nga - Russian Helicopters) đã cười rất tươi "Xin chào, rất vui được gặp lại bạn!".
Quá ngỡ ngàng, tôi thậm chí còn chẳng nghĩ là ông còn nhớ tới tôi, một phóng viên tới từ Việt Nam và cũng mới chỉ trao đổi ngắn với nhau trong ít phút tại ARMY-2017 năm ngoái. Dù ông Dmitry Titarenko không nhớ tên, nhưng lại nhớ từ Việt Nam tới đã khiến các phóng viên quốc tế ngạc nhiên.
PV Việt Nam (áo khoác đỏ) được Lãnh đạo Russian Helicopters giới thiệu chi tiết về dòng trực thăng tấn công Mi-28NE nâng cấp sâu. Ảnh Bình Nguyên.
Xin nói thêm rằng, tại ARMY-2018 lần này, đoàn phóng viên quốc tế được Russian Helicopters mời đích danh từ khắp nơi trên thế giới thì chỉ có duy nhất tôi là "người cũ", những người bạn mà tôi quen năm ngoái thật tiếc đã không có mặt.
Năm nay số sản phẩm mẫu mà Russian Helicopters giới thiệu khá hùng hậu, trong đó có tới 3 loại trực thăng tấn công. Nổi bật nhất vẫn là chiếc trực thăng tấn công Mi-28NE phiên bản nâng cấp.
Tất nhiên, thay mặt lãnh đạo Công ty Trực thăng Nga, ông Dmitry Titarenko lôi ngay chúng tôi đến cạnh chiếc Mi-28NE sơn rằn ri "khá ngầu" này và giới thiệu những tính năng mới nhất của nó.
Trực thăng tấn công Mi-28NE nâng cấp sâu. Ảnh: Xuân Hoàng
Sát thủ diệt tăng Mi-28NE "lột xác"
Có thể thấy chiếc trực thăng "sát thủ diệt tăng này" này sở hữu nhiều điểm vượt trội hơn trước mà có lẽ đến ngay trực thăng tấn công AH-64 Apache của Mỹ cũng phải ngước nhìn. Ông Dmitry Titarenko khoe:
"Phiên bản này (Mi-28NE nâng cấp) có hệ thống cánh quạt mới giúp hoạt động ổn định hơn trong môi trường khi hậu khô nóng và ở độ cao lớn. Một trong nhưng cải tiến quan trọng nhất chính là phi công lái Mi-28NE có thể kết nối và điều khiển máy bay không người lái ngay khi đang bay".
Mi-28 có lớp giáp bảo vệ kiên cố hơn, đi kèm với đó là động cơ VK-2500-01 mạnh hơn, được trang bị hệ thống giảm nhiệt phát thải hoàn toàn mới cùng hệ thống điều khiển đã được nâng cấp, hiện đại hóa sâu. Ngoài ra, Mi-28NE còn được trang bị thùng dầu có khả năng chống cháy nổ.
Mi-28NE được trang bị động cơ mới, hệ thống điều khiển tiên tiến cùng nhiều loại vũ khí hiện đại. Ảnh: Xuân Hoàng.
Ông Dmitry Titarenko nhấn mạnh: "Để đảm bảo uy lực chiến đấu cho Mi-28NE nâng cấp, chúng tôi trang bị cho nó những loại tên lửa chống tăng đời mới nhất, trong đó có loại 9M123M Khrizantema-VM tiên tiến nhất với phương điều khiển hai kênh bằng tia laser và sóng vô tuyến".
Không chỉ thế, Mi-28NE còn có thể mang được nhiều loại vũ khí có và không có điều khiển khác nhau như tên lửa chống tăng 9M120-1 Ataka-VM hay rocket hoặc bom có trọng lượng tới 500 kg .
Trực thăng tấn công Mi-28NE ngày càng mạnh hơn.
Tiếp đó, ông Dmitry Titarenko đã mời tôi lên buồng lái của chiếc trực thăng Mi-28NE này để cảm nhận rõ hơn mức độ hiện đại của nó. Ngồi lọt thỏm trên ghế lái trước - vị trí của phi công điều khiển hỏa lực, tôi thấy toàn màn hình là màn hình, trông rất "hại điện".
Phát hiện 2 điều thú vị về trực thăng Mi-28NE
Nhưng điều để ý nhất không phải là những thứ đó vì đã được giới thiệu rồi, phát hiện bất ngờ của tôi chính là một chiếc quạt "tai voi" bé xíu ở ngay phía sau trên đầu phi công.
Tại sao chiếc trực thăng tấn công hiện đại thế này mà vẫn được trang bị một thứ bình dị đến vậy nhưng nó từng là thứ hàng biểu tượng từ thời bao cấp ở Việt Nam?
Cái quạt tai voi "thần thánh" trên buống lái trực thăng Mi-28NE đời mới của Nga. Ảnh: Xuân Hoàng.
Giải đáp thắc mắc của tôi, một kỹ thuật viên của Russian Helicopters cho biết, khi hoạt động ở những vùng khí hậu khô nóng thì điều hòa hiện đại đến mấy cũng chẳng ăn thua, do vậy chiếc quạt này sẽ trở nên hữu hiệu vô cùng, vừa làm tối ưu hiệu quả của điều hòa, vừa làm không khí lưu thông, giảm bớt sự ngột ngạt trên buồng lái chật hẹp.
Tại cuộc trả lời phỏng vấn sau đó với các phóng viên, Ông Andrei Boginsky - CEO của Russian Helicopters một lần nữa nhấn mạnh:
"Những cải tiến vượt trội mà Công ty Trực thăng Nga ứng dụng trên Mi-28NE đã giúp loại "sát thủ diệt tăng" này trở nên hoàn hảo hơn về mọi khía cạnh, các đặc tính kỹ - chiến thuật được nâng cao đáng kể.
Một trong những sáng kiến thú vị nhất được ứng dụng là thiết bị kết nối với máy bay không người lái (UAV). Giờ đây, phi công lái Mi-28NE có thể điều khiển UAV trực tiếp từ buồng lái".
Buồng lái trước của trực thăng Mi-28NE nâng cấp sâu. Ảnh: Xuân Hoàng.
Có được những cải tiến sâu kể trên chính là nhờ kinh nghiệm quý báu mà Không quân Nga thu được khi hoạt động ở chiến trường khốc liệt Syria.
Được biết, trong hơn 3 năm qua, hàng chục lượt phi công Nga đã tham chiến ở Syria cùng trực thăng tấn công Mi-28. Họ chính là những người đưa ra ý kiến đánh giá thật nhất, các Kỹ sư của Russian Helicopters nói riêng và của Tập đoàn Rostec nói chung đã đặc biệt coi trọng những nhận xét quý giá này để phục vụ cho công tác nâng cấp cải tiến.
Rõ ràng, với những cải tiến mạnh mẽ như vậy, chắc chắn trong tương lai không xa, Mi-28NE sẽ được nhiều khách hàng nước ngoài quan tâm mua sắm, đúng như lời ông Anatoly Serdyukov - Giám đốc phụ trách công nghiệp hàng không của Tập đoàn Rostec (Công ty mẹ của Russian Helicopters):
“Máy bay Mi-28NE đã được "lột xác" cả về hỏa lực cũng như phạm vi hoạt động, nhờ đó, nó sẽ trở thành ngôi sao sáng trong làng trực thăng tấn công thế giới, được nhiều quốc gia quan tâm mua sắm”.
Giới thiệu trực thăng tấn công Mi-28NE đã được Russian Helicopters nâng cấp sâu.