"U22 Việt Nam hiện nay tồn tại một vấn đề lớn mà HLV Troussier chưa thể tìm ra ngay lời giải. Đó là việc các cầu thủ không được thường xuyên thi đấu. Ông ấy sẽ cần thêm thời gian.
Điều này khác nhiều so với Thái Lan, nơi Thai League diễn ra liên tục. Đó là chưa kể đến việc nhiều cầu thủ trẻ ở Thai League 2 cũng có cơ hội nhờ liên tục được trau dồi", phóng viên Tanit Earbsuk đến từ đài truyền hình Thai PBS (Thái Lan) chia sẻ với chúng tôi về cuộc canh tranh tại môn bóng đá nam SEA Games 32.
U22 Việt Nam không ghi được bàn thắng nào tại Doha Cup 2023. Điều này khiến dư luận không khỏi lo lắng cho mục tiêu bảo vệ huy chương vàng SEA Games.
Trên thực tế, những điều trên đã được HLV Troussier nhắc đến nhiều lần. Ngoài việc các cầu thủ U22 ít được ra sân, chiến lược gia người Pháp cũng mong muốn V.League và giải hạng Nhất có sự thay đổi, bớt các quãng nghỉ dài và diễn ra liên tục hơn để nâng cao chất lượng thi đấu của cầu thủ.
"Đối với tôi, phần lớn cầu thủ U22 Việt Nam không được ra sân thi đấu thường xuyên trong 6 tháng qua. Vì thế tôi phải đặt ra yêu cầu cao để các em quen với áp lực trong việc thi đấu. Điều quan trọng là các cầu thủ phải nắm bắt được ý đồ với nhau, hiểu phong cách chơi, tạo ra một khối thống nhất và từ đó hướng tới việc ghi bàn".
"Tôi nghĩ có hai điều cần điều chỉnh. Một là gia tăng tính cạnh tranh, làm sao để các cầu thủ có thể chơi 40-50 trận đấu/năm, mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có thể thi đấu liên tục trong vòng 10 tháng.
Tiếp nữa, ĐTQG Việt Nam sẽ có cơ hội để thi đấu giao hữu với các đội bóng trong top 60 thế giới. Đó là điều cần thiết để các cầu thủ tích lũy kinh nghiệm thi đấu quốc tế", HLV Troussier nói hồi đầu tháng Ba vừa qua.
Trái với U22 Việt Nam, U22 Thái Lan chơi ấn tượng tại Doha Cup 2023. Đội bóng này hòa U22 Saudi Arabia 2-2, thắng U22 Qatar 1-0 và thua U22 Kuwait 0-1, xếp hạng 4/10.
Và không lâu sau những phát biểu này, những điểm yếu của U22 Việt Nam đã được phơi bày tại Doha Cup. Xếp cuối bảng (hạng 10/10) với thành tích thua 2, hòa 1, đoàn quân của HLV Troussier bị đặt dấu hỏi về trình độ, đặc biệt trong bối cảnh SEA Games 32 đã cận kề.
Những lá thăm may rủi lại càng khiến người hâm mộ thêm phần lo lắng khi U22 Việt Nam phải đối đầu với Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào. Tuy vậy, theo đánh giá của phóng viên Tanit Earbsuk, SEA Games sẽ là câu chuyện rất khác so với Doha Cup. Anh phân tích:
"Tất nhiên bảng B chắc chắn sẽ khó khăn hơn so với bảng A. Tuy nhiên ở một giải đấu cấp độ Đông Nam Á, kết quả bốc thăm như vậy cũng không phải điều gì quá đáng lo với U22 Việt Nam.
Với U22 Thái Lan cũng vậy. Tôi nghĩ họ cũng không lo lắng nhiều vào thời điểm này đâu. Dư luận Thái Lan chỉ lo rằng không biết đội U22 sẽ có được lực lượng tốt nhất cho SEA Games hay không. Nhiều CLB không đồng ý nhả người do giải đấu không thuộc FIFA Days.
Như trường hợp của Suphanat Muaenta, thực ra đến lúc này cũng chưa chắc tiền đạo này có thể dự SEA Games hay không. Ban huấn luyện U22 Thái Lan vẫn đang tích cực trao đổi với Buriram United để xem có thể tìm ra phương án nào hợp lý hay không".
U22 Việt Nam và U22 Thái Lan sẽ chạm trán nhau ở lượt trận cuối cùng của bảng B. Trận đấu này diễn ra vào ngày 11/5 và nhiều khả năng sẽ quyết định xem đội bóng này có được vị trí đầu bảng.
Ký giả người Thái Lan kết lại: "Ở bảng B, U22 Malaysia cũng là một đối trọng đáng gờm. Đặc biệt sau khi họ vừa vô địch Merlion Cup (giải giao hữu Tứ hùng tại Singapore với sự góp mặt của U22 Malaysia, U22 Singapore, U22 Campuchia và U22 Hong Kong – PV).
Tuy nhiên tôi nghĩ U22 Thái Lan sẽ không lo lắng gì với vòng bảng. Mục tiêu của đội là lọt vào trận chung kết và tất cả sẽ chiến đấu hết mình vì nó.
Nhìn sang bảng A, chủ nhà U22 Campuchia được kỳ vọng nhiều. Có lẽ họ cũng tự tin sẽ vào được đến bán kết. Lực lượng của đội bóng này gồm nhiều cầu thủ từng tham dự SEA Games 31.
Tuy vậy vẫn có khoảng cách nếu so sánh họ với U22 Việt Nam và U22 Thái Lan, hai ứng viên hàng đầu cho tấm vé vào chơi trận chung kết".
Phóng viên Tanit Earbsuk (phải) tác nghiệp ở sân Thiên Trường tại SEA Games 31.