PV quốc tế "bị lừa" về Su-35 và Su-34 ở Syria: KQ Nga "diễn" hay chủ quan chết người?

Bình Nguyên |

Các phóng viên quốc tế đã "đột nhập" vào căn cứ sân bay Khmeimim, đầu não của Không quân Nga tại Syria và họ đã kinh ngạc khi phát hiện ra rất nhiều điều lạ lùng.

Gần đây, các phóng viên quốc tế đã được mời tới thăm căn cứ sân bay Khmeimim, đầu não của Không quân Nga và lực lượng viễn chinh Quân đội Nga ở Syria.

Đây là một dịp hiếm có để các phóng viên khám phá hoạt động của căn cứ lớn và quan trọng nhất của Nga ở Syria và họ đã phát hiện ra nhiều điều bất ngờ đến kinh ngạc.

Những vũ khí tối tân nhất của Nga triển khai ở Syria

- Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 hoàn chỉnh với đủ bộ từ xe bệ phóng, radar chiếu xạ cho tới radar cảnh giới nhìn vòng tầm siêu xa 91N6E có tầm phát hiện mục tiêu tới 600km.

- Các "cận vệ" của tên lửa S-400 như tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 và tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Tor-M2. Một số nguồn tin cho biết dường như Nga còn triển khai cả tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 tầm trung tới Syria.

- Ngoài những hệ thống radar cảnh giới cơ hữu thuộc các tổ hợp tên lửa phòng không, Nga còn triển khai đến Syria nhiều tổ hợp radar cảnh giới chuyên bắt bám các mục tiêu bay tầm thấp, cho tới tầm xa hỗ trợ cho tác chiến phòng không đa tầng như 48YA6-K1 "Podlet-K1", 1L125 "Niobium-SV", Kasta-2E2 và 1L122-1E "Harmon".

- Tổ hợp radar trinh sát pháo binh Zoopark-1 là một trong những vũ khí góp phần không nhỏ làm nên hệ thống phòng thủ bất khả xâm phạm ở Khmeimim, khi nó được xem là tai là "mắt thần"của Quân đội Nga trước và sau các cuộc tấn công bằng pháo binh của phiến quân.

Sở dĩ nói như vậy là vì Zoopark-1 có khả năng theo dõi và xác định vị trí trận địa pháo của đối phương từ các loại súng cối cỡ nhỏ cho đến pháo phản lực phóng loạt.

PV quốc tế bị lừa về Su-35 và Su-34 ở Syria: KQ Nga diễn hay chủ quan chết người? - Ảnh 2.

Tổ hợp radar định vị mục tiêu 1L122-1E "Harmon" được triển khai bên trong căn cứ Khmeimim, ngay cạnh nó là đài radar cảnh giới nhìn vòng tầm siêu xa 91N6 của tổ hợp phòng không S-400. Ảnh: CBC.

- Các loại máy bay chiến đấu tối tân bao gồm tiêm kích Su-35, tiêm kích bom Su-34, máy bay ném bom Su-24 đi kèm là các khí tài đảm bảo kỹ thuật đồng bộ tại khu vực nhà chưa máy bay mới vừa khánh thành tại căn cứ sân bay này.

- Các loại trực thăng tấn công Ka-52, Mi-28, Mi-35 và trực thăng vận tải vũ trang đa năng Mi-8AMTsh,...

Phóng viên quốc tế "mắt chữ A, mồm chữ O": Kinh ngạc với Không quân Nga

Còn nhớ, ngày 24/11/2015, tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay ném bom Su-24 Nga vừa mới "chân ướt, chân ráo" tới Syria và gây ra cuộc khủng hoảng lớn giữa 2 nước.

Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này đã buộc Moscow phải đưa ra những quyết định cực kỳ quan trọng đó là triển khai tên lửa S-400 tới Syria đồng thời các chiến đấu cơ (Su-34, Su-35, Su-30SM) có khả năng mang tên lửa không đối không đều phải trang bị khi xuất kích để tự vệ, kể cả khi chỉ làm nhiệm vụ ném bom.

Riêng 2 loại Su-25 và Su-24 ném bom chuyên nhiệm luôn được các tiêm kích Su-30SM hoặc Su-35 hộ tống. Liên tục trong nhiều năm liền, Không quân Nga bố trí tới 4 chiếc tiêm kích Su-30SM thường trực ở ngay đầu sân bay, trong đó có 2 chiếc luôn ở trong trạng thái cấp 1, sẵn sàng cất cánh ngay lập tức đánh chặn đối phương, bảo vệ quân nhà.

Nhưng tại thời điểm cuối năm 2019, mọi sự đã thay đổi khiến các phóng viên kinh ngạc. Đó là các máy bay chiến đấu Nga tham chiến tại Syria khi xuất kích hầu như không còn mang tên lửa không đối không (Su-34) hoặc mang rất ít (Su-35).

Không quân Nga tại căn cứ Khmeimim, Syria vào tháng 4/2019.

Cụ thể, tiêm kích đa năng Su-34 đã "trắng bệ", không còn mang 4 tên lửa không đối không như mọi khi, 2 tên lửa tầm gần R-73 và 2 tên lửa tầm xa R-27, đôi khi còn có thêm 2 quả R-77 nữa. Trong khi đó, tiêm kích Su-35 Nga xuất kích cũng chỉ còn mang "nhõn 2 quả" tên lửa không đối không tầm gần R-73.

Điều này khiến các phóng viên quốc tế thắc mắc, phải chăng Không quân Nga đã quá chủ quan và số vũ khí ít ỏi của Su-35 hoặc "trắng bệ" của Su-34 liệu sẽ "làm nên trò trống gì" khi có tình huống xấu xảy ra, cần phải phóng đạn tiêu diệt mối đe dọa từ trên không?

Phóng viên quốc tế tại căn cứ Khmeimim của Không quân Nga ở Syria

Có lẽ các phóng viên đã không quan sát hết được hoạt động tại căn cứ Khmeimim và cũng không loại trừ khả năng Không quân Nga "diễn sâu" khiến các phóng viên bị lạc lối. Bởi lẽ:

Thứ nhất, các tiêm kích Su-35 trực cấp 1 sẽ không xuất kích bay "biểu diễn" để các phóng viên quay phim chụp ảnh. Những chiếc Su-35 này sẽ mang đủ "hàng nóng" với ít nhất 4 quả tên lửa không đối không gồm 2 tầm xa và 2 tầm gần.

Chiếc Su-35 bay trình diễn là chiếc đang không trực chiến cấp 1 nên chỉ lắp 2 quả R-73 để bay "làm hàng" cho đẹp mà thôi.

Thứ hai, Su-34 Nga đúng là không còn mang tên lửa không đối không nữa có lẽ là do Moscow đã thỏa thuận được với các bên liên quan, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ và Israel về việc không được động đến chiến đấu cơ Nga nên các phi công có thể yên tâm xuất kích mà không cần mang hàng nóng nữa.

Bên cạnh đó, tình hình Syria gần đây đã nguội đi nhiều khi khủng bố về cơ bản đã bị tiêu diệt, chỉ còn vài điểm nóng cần giải quyết mà thôi.

Thứ ba, các tổ hợp S-400 Nga ở Syria, ngoài nhiệm vụ bảo vệ căn cứ thì còn luôn theo sát nhất cử nhất động của chiến đấu cơ quân nhà, sẵn sàng bọc lót, hỗ trợ khi có bất cứ mối đe dọa nào xảy đến.

Chắc chắn, không một quốc gia nào dám động đến lực lượng Nga ở Syria do vậy, các chiến đấu cơ Nga "dễ thở" hơn một chút. Dù vậy, họ không được phép chủ quan, luôn phải cảnh giác trong mọi tình huống.

Đoàn phóng viên quốc tế đi thực địa tại căn cứ sân bay Khmeimim, đầu não của Không quân Nga tại Syria tháng 10/2019.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại