Putin: Không thể nhắm mắt làm ngơ trước cái chết 2 quân nhân Nga ở Crưm

V.A |

Nga cáo buộc Ukraina âm mưu tấn công Crưm, Ukraina kịch liệt phủ nhận. Tiếng bấc tiếng chì giữa hai nước vốn đã cơm không lành canh chẳng ngọt càng làm dấy lên quan ngại về leo thang căng thẳng có thể bùng phát trở lại.

Ông Putin cáo buộc Ukraina khủng bố

Ngày 11.8, Tổng thống Nga Vladimir Putin triệu tập Hội đồng An ninh họp khẩn bàn biện pháp bổ sung để đảm bảo an ninh cho công dân và các cơ sở hạ tầng ở Crưm, trong bối cảnh lực lượng đặc nhiệm Nga vừa thông báo triệt phá âm mưu tấn công khủng bố bán đảo này.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời bộ phận báo chí Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin cùng các quan chức an ninh đã bàn bạc chi tiết các kịch bản về biện pháp an ninh chống khủng bố trên bộ, trên biển và trên không ở Crưm.

Cuộc thảo luận cũng tập trung vào các thoả thuận đạt được trong cuộc họp của Tổng thống Putin với các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia.

Cơ quan An ninh Nga (FSB) hôm 10.8 cho biết đã phát hiện một toán xâm nhập vào Crưm ở gần biên giới Ukraina. Các thiết bị nổ và đạn dược của lực lượng đặc nhiệm quân đội Ukraina được phát hiện tại hiện trường.

RT dẫn lời FSB cho hay, trước đó hồi đầu tuần, các lực lượng của Nga cũng đã chặn đứng một số âm mưu tấn công khủng bố khác của Ukraina. Các vụ tấn công được lên kế hoạch nhằm vào cơ sở hạ tầng và các trung tâm hỗ trợ sinh hoạt ở Crưm.

FSB cáo buộc Cục Tình báo quân đội Ukraina đứng sau những âm mưu này.

FSB tuyên bố một sĩ quan của họ đã bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ vũ trang khi bắt giữ những kẻ khủng bố vào đêm mùng 6, rạng sáng 7 tháng 8.

Một binh sĩ Nga cũng bị thiệt mạng trong cuộc đọ súng với nhóm khủng bố phá hoại do Bộ Quốc phòng Ukraina cử đến vào ngày 8.8 - theo hãng TASS.

Bình luận về báo cáo của FSB, Tổng thống Nga Putin chỉ trích Ukraina đang "chơi một trò chơi nguy hiểm", và gọi các hành động của Kiev là "ngu ngốc và phạm tội".

Người đứng đầu nước Nga tuyên bố Mátxcơva không thể nhắm mắt làm ngơ trước cái chết của hai quân nhân trong nỗ lực ngăn chặn tấn công ở Crưm.

"Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraina đã bị cáo buộc đứng sau âm mưu khủng bố ở Crưm, vậy thì gặp chính quyền hiện tại của Ukraina để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở nước này là điều vô nghĩa" - ông Putin nói.

Dự kiến các nhà lãnh đạo Nga, Ukraina, Pháp và Đức sẽ gặp nhau trong khuôn khổ "Bộ tứ Normandy" để thảo luận tiến trình hoà bình ở Ukraina bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc trong tháng 9 tới.

Tổng thống Nga cho rằng, chỉ bằng hành động trên Kiev đã chứng tỏ không quan tâm đến các cuộc đàm phán hoà bình, cũng không muốn tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. "Trái lại, họ chuyển sang chủ nghĩa khủng bố. Diễn tiến mới này rất đáng báo động" - ông Putin nói.

Tan băng hay đóng băng?

Trong khi đó, Ukraina kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc của Nga. Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Ukraina Oleksandr Turchynov lên án tuyên bố của Nga là "cuồng loạn và sai trái", đồng thời cho biết Mátxcơva đang nỗ lực gieo rắc nỗi sợ hãi ở Crưm.

"Để làm leo thang hơn nữa xung đột, ông Putin không thể nghĩ ra điều gì tốt hơn là một màn kịch rẻ tiền của FSB" - ông Turchynov nói trong một tuyên bố.

Bộ Quốc phòng Ukraina bác bỏ các cáo buộc là “sự biện minh cho việc bố trí lại quân sự và là hành động gây hấn” của quân đội Nga trong khu vực.

Còn Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko, gọi cáo buộc chính quyền Kiev về khủng bố mà Tổng thống Nga Putin nói ra là "vô nghĩa, lố bịch".

"Những sự hoang tưởng đó chỉ là cái cớ cho những mối đe dọa quân sự đối với Ukraina" - ông Poroshenko mô tả các tuyên bố của Mátxcơva.

"Nga cáo buộc Ukraina khủng bố ở Crưm nghe vô nghĩa và vớ vẩn như tuyên bố của lãnh đạo Nga rằng không có lính Nga ở đông Ukraina" - nhà lãnh đạo Poroshenko nói trong một tuyên bố đăng trên website tổng thống.

Đại sứ Ukraina Vladimir Yelchenko tại Liên Hợp Quốc tuyên bố sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an tổ chức một cuộc họp khẩn nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng.

Trước khi có các cáo buộc tấn công ở Crưm, quan hệ Nga-Ukraina đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Hôm 8.8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Điện Kremlin ủng hộ đề xuất của Ukraina đàm phán với Pháp và Đức bên lề hội nghị G20, nhằm tái khởi động tiến trình hoà bình.

Không chỉ với Ukraina, trong tuần qua Nga cũng đã tích cực làm tan băng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bằng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Erdogan tại St Petersburg, khơi lửa quan hệ với Anh bằng cú điện thoại với Thủ tướng Theresa May, đồng thời lãnh đạo Nga đã gặp người đồng cấp Iran và Ấn Độ.

Tuy nhiên, những diễn tiến trên thực địa có thể sẽ đẩy căng thẳng hơn nữa trong "mối thù" giữa Nga và Ukraina sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm vào tháng 3.2014.

Sợ rằng các sự kiện đang phát triển theo một kịch bản khá tiêu cực, như vậy căng thẳng sẽ duy trì hoặc thậm chí leo thang và quan hệ Nga-Ukraina sẽ "đóng băng".

Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt chắc chắn sẽ được thắt chặt ở Crưm.

Điều đáng lo ngại hơn là căng thẳng không chỉ dừng ở Crưm, mà có thể sẽ lan sang cả miền đông Ukraina, và điều đó là vô cùng nguy hiểm, phá vỡ tiến trình hoà bình mong manh ở Ukraina và nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đạt được hoà bình ở khu vực này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại