Jerusalem là thành phố thiêng liêng, lâu đời bậc nhất thế giới với sự hội tụ của 3 tôn giáo lớn là Hồi giáo, Thiên chúa và Do Thái. Đây cũng là nơi bắt nguồn của những xung đột dai dẳng tại "chảo lửa" Trung Đông.
Dù Jerusalem là vùng đất thánh nghìn năm của 3 tôn giáo lớn và là một phần trong luận điểm của các nhóm khi tranh giành quyền kiểm soát khu vực này, những tranh chấp trong hiện tại chủ yếu bắt nguồn từ các sự kiện của thế kỷ 20. Tính đến thời điểm năm 1914, ở Palestine có 500 nghìn người Arab và 90 nghìn người Do Thái. Trong ảnh là những người phụ nữ Palestine vào khoảng năm 1914. |
Sau Thế chiến I, khi Đế chế Ottoman bị đánh bại, Anh được ủy nhiệm quản lý vùng Lưỡng Hà và Palestine. Cuối năm 1917, tướng Anh Edmund Allenby đã hứa ủng hộ việc lập nhà nước của người Do Thái trên xứ này. Vài thập kỷ sau, vùng đất thiêng chứng kiến làn sóng người Do Thái định cư ở đây với tư tưởng Jerusalem là quê nhà, trong khi người Arab địa phương giảm xuống theo sự sụp đổ của đế chế Ottoman. |
Làn sóng di cư của người Do Thái hiển nhiên vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine. Họ thậm chí gây ra một số cuộc bạo động nghiêm trọng. Trong khi đó, người Do Thái lại bất chấp nhà cầm quyền Anh và lệnh hạn chế nhập cư đã được ban hành vào năm 1939. Vào năm 1947, một kế hoạch của Liên Hợp Quốc nhằm phân chia trong hòa bình đã được tiến hành với việc ra đời của nhà nước Israel vào năm 1948. |
Cùng lúc đó, xung đột giữa Israel và các nước Arab đã nổ ra. Tuy nhiên, các nước Arab đã thất bại. Tel Aviv sau đó giành được nhiều lãnh thổ mà Liên Hợp Quốc chia cho Palestine. Chỉ trong vòng vài tháng, từ một nước có đường biên giới rõ ràng như trong kế hoạch phân vùng của Liên Hiệp Quốc, Palestine bắt đầu trở thành một nhà nước với ranh giới mơ hồ. |
Tháng 10-1973, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 338, với hi vọng chấm dứt hoàn toàn các hoạt động quân sự trong khu vực, đồng thời bắt đầu các cuộc đàm phán giữa các bên quan tâm nhằm đưa ra giải pháp kiến tạo hòa bình cho Palestine và Israel. Trong ảnh là binh lính Israel đi tuần cạnh những người Palestine bị mắc kẹt ở một trại tị nạn vào năm 1968. |
Gắn liền với lịch sử đấu tranh giành chủ quyền cho Palestine trong giai đoạn này không thể không nhắc tới Yasser Arafat. Bằng tất cả nỗ lực, ông từng bước thực hiện mục tiêu đưa Palestine trở thành một nhà nước độc lập. Tuy con đường ấy vẫn chưa trọn vẹn nhưng Arafat vẫn trở thành một biểu tượng cho hòa bình, sự khát khao khẳng định chủ quyền của nhân dân Palestine. Ông là nhà lãnh đạo Palestine đầu tiên phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào năm 1974. |
Động thái đó đã kéo theo một nghịch lý: từ năm 1967 đến năm 1991, đã có 40.000 nơi cư trú cho người Do Thái Israel được xây dựng trong khi chỉ có 555 nơi dành cho người Palestine. Người Israel thậm chí còn lập thêm các khu định cư ở Bờ Tây từ Jordan và Dải Gaza từ Ai Cập, nơi vốn thuộc về người Palestine như nghị quyết của Liên Hợp Quốc. |
Năm 1993, đàm phán bí mật giữa PLO và chính phủ Israel ở Na Uy đã cho ra đời Hiệp định hòa bình Oslo. Hiệp định vạch ra kế hoạch 5 năm để người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza dần dần tự quyết vận mệnh. Theo thỏa thuận, Israel rút quân khỏi Dải Gaza và Jericho ở Bờ Tây năm 1994. Chính quyền Palestine do ông Arafat làm lãnh đạo kiểm soát các khu vực không bị Israel chiếm đóng với chức trách như một chính phủ. |
Gần 70 năm xung đột đã để lại một nghịch cảnh cho hàng triệu người Palestine khi họ không có Tổ quốc, phải sống lưu vong ở nước ngoài hoặc hai vùng tự trị là Dải Gaza và Bờ Tây, nằm cách nhau bởi lãnh thổ Israel. Người ta lo ngại các động thái mới trong khu vực có thể khiến người Palestine còn rất lâu nữa mới có thể thỏa nguyện giấc mơ lập quốc trên chính quê hương mình. |