Premier League: "Chạy và sút" hay thiên đường của bóng đá tốc độ?

Minh Hoàng |

Di chuyển nhanh, những đôi chân không bao giờ dừng nhịp và mọi quyết định được đưa ra chỉ trong tích tắc: đó chính là Premier League.

Tốc độ là một khía cạnh mang tính chìa khóa trong bóng đá, tuy nhiên lại chẳng mấy ai viết về yếu tố này cả. Có nhiều cách để một đội bóng sử dụng tốc độ để chiếm lấy lợi thế trong trận đấu: chuyển trạng thái bằng những đường chuyền dài, phản công nhanh, luân chuyển trái bóng… tất cả đều sẽ trở nên sắc bén và nguy hiểm hơn khi được thực hiện ở tốc độ cao.

Di chuyển nhanh, những đôi chân không bao giờ dừng nhịp và mọi quyết định được đưa ra chỉ trong tích tắc: đó chính là Premier League. Giải đấu này là nơi mà dường như tốc độ quyết định tất cả mọi thứ, tốc độ sẽ đưa bạn lên đỉnh bảng xếp hạng – Leicester City 2015/2016 là một ví dụ điển hình. Đây là bài viết sẽ giúp các bạn hiểu điều gì tạo nên một Ngoại Hạng Anh như vậy.

Tốc độ nguyên bản

Kiểu tốc độ đầu tiên được nhắc đến là kiểu tốc độ mà mọi người đều hiểu theo cách đơn giản nhất "tốc độ tỉ lệ thuận với khoảng cách tạo ra".

Để đánh giá thế nào là tấn công nhanh, trước hết hãy lấy một ví dụ về lối tấn công chậm rãi. Bàn thắng của Manchester City vào lưới Quỷ đỏ cùng thành phố vào tháng 11 năm 2018, bàn thắng đến sau 44 đường chuyền.

Tình huống này "tiêu tốn" của ManCity tổng cộng 1 phút 55 giây. Họ di chuyển trái bóng qua quãng đường 699 mét. Từ điểm khởi đầu đến kết thúc của tình huống, tính ra các cầu thủ chỉ dâng trái bóng lên thêm được 42 mét. Như vậy, dựa trên thời gian và khoảng cách, bàn thắng này là một bàn thắng "siêu chậm" khi bóng được đưa lên với tốc độ 0.38m sân /giây.

Trái ngược với bàn thắng đó của ManC, chúng ta có bàn thắng thứ 4 trong trận thắng 4 – 1 của Leicester City trước Aston Villa tháng 12 năm ngoái. Ricardo Pereira phá bóng lên từ vòng 16m50 của Leicester, bóng chạm đầu Douglas Luiz của Aston Villa và tới chân Dennis Praet. 

Tiền vệ người Bỉ tung một đường chuyền dài chỉ với 2 chạm cho Jamie Vardy trước khi số 9 của Leicester dứt điểm tung lưới Aston Villa. 

Tổng cộng trái bóng di chuyển được 86.7 mét chỉ tính theo chiều dài sân trong vỏn vẹn 11.5 giây, tốc độ trung bình là 7.5m sân /giây. Nhưng phải làm rõ một điều rằng tốc độ chạy của Vardy đã từng lên tới 35.09km/h, không phải ai cũng có thể ghi bàn giống như anh trong một tình huống như vậy.

Premier League: Chạy và sút hay thiên đường của bóng đá tốc độ? - Ảnh 1.

Kiểu bóng đá này không tạo ra nhiều pha chạm bóng, thời gian bóng chạm mặt sân trong một đợt tấn công cũng rất ít. Thật sự gọn gàng và hiệu quả. Thống kê trong 5 mùa giải gần đây, Leicester City của mùa giải 2015/2016 có tốc độ cao nhất theo cách tính này. Với tốc độ trung bình 3.9m sân/giây, họ vô địch mùa giải 2015/2016 hoàn toàn xứng đáng.

Những bộ não siêu tốc

Đưa bóng lên từ sân nhà bằng những đường chuyền dài là một cách chơi tốc độ phổ biến và điển hình, nhưng có một cách khác cũng được áp dụng ở bóng đá đỉnh cao và mang lại thành công. Đó là pressing tầm cao và chuyển trạng thái ngay khi cướp được bóng. Chìa khóa ở đây là tốc độ suy nghĩ, tốc độ phản ứng của cầu thủ.

Chắc hẳn chúng ra đều đã nghe đến cụm từ "Gegenpressing" mà Jurgen Klopp đã mang từ Dortmund trong quá khứ đến Liverpool của hiện tại. Mùa giải đầu tiên của Klopp tại Liverpool, đội bóng của ông đã biến Pressing tầm cao thành thương hiệu, với rất nhiều tình huống bóng bị cướp từ giữa sân rồi sau đó đến thẳng vòng 16m50 của đối thủ qua những đường dốc bóng hay chọc khe tinh tế bởi những Fermino, Salah, Mane… 

Điều tương tự cũng diễn ra với trường hợp của Eriksen ở Spur dưới thời Mauricio Pochettino. Lối chơi này có vẻ đang dần trở thành xu hướng tại Premier League, nó phù hợp với tốc độ bóng kinh khủng ở giải đấu này.

Premier League: Chạy và sút hay thiên đường của bóng đá tốc độ? - Ảnh 2.

Manchester United phần nào đó cũng bắt "trend" trong khoảng 2 mùa giải gần đây. Họ không thật sự pressing quá cao, nhưng với tốc độ của Daniel James, Marcus Rashford hay Martial, việc mất bóng quanh vòng tròn giữa sân trong một trận đấu với MU là điều không đội nào muốn cả. Đặc biệt là với sự xuất hiện của Bruno Fernandes ở tuyến giữa, khả năng phản công nhanh của MU thời điểm này thật sự đáng gờm.

Premier League: Chạy và sút hay thiên đường của bóng đá tốc độ? - Ảnh 3.

Một ví dụ điển hình khác cho sự thành công với lối chơi này là Chelsea năm 2016, mùa giải họ vô địch cùng Conte. Điều khiến Chelsea khác biệt tại thời điểm đó là bộ ba Kante, Eden Hazard và Diego Costa. 

Máy quét Kante cướp bóng ở giữa sân, một đường chuyền nhanh cho Hazard, anh dứt điểm và Chelsea có bàn thắng. Đó là kịch bản mà Chelsea dùng đi dùng lại suốt cả mùa giải họ vô địch, có chăng khác biệt mỗi lần nằm ở người ghi bàn.

Điểm chung của họ là một bộ não luôn sẵn sàng phản ứng với mọi tình huống bóng. Cách họ chuyển hóa đường lên bóng của đối thủ thành một đường phản công chí mạng thực sự khiến người ta phấn khích.

Vậy mấu chốt của lối chơi này là gì? Một tuyến giữa sáng tạo, giàu sức chiến đấu và khả năng bao quát thế trận, kết hợp với hàng công tốc độ và biết cách tận dụng cơ hội, bạn sẽ có công thức chiến thắng cho đội bóng của mình.

Trái bóng không nghỉ

Cuối cùng, một đội bóng có thể chơi với tốc độ cao bằng cách đẩy nhanh nhịp di chuyển của trái bóng, hay nói một cách hoa mỹ là để chính trái bóng làm việc của nó.

Điều đó đơn giản có nghĩa là khiến cho trái bóng luân chuyển giữa chân của các cầu thủ nhanh hơn. Hãy tưởng tượng bạn thi đấu với một đội bóng mà trong 20 giây họ thực hiện được 2 đường chuyền, bạn có bắt kịp nhịp độ đó không? 

Với 10 giây cho mỗi đường chuyền, có lẽ sẽ ổn thôi. Nhưng 2.8 giây/1 đường chuyền thì sao? Qúa kinh khủng đúng không? Đó là cường độ chuyền bóng trung bình của Arsenal trong mỗi trận đấu ở mùa giải cuối cùng dưới sự dẫn dắt của Arsene Wenger.

Premier League: Chạy và sút hay thiên đường của bóng đá tốc độ? - Ảnh 4.

Man City của Pep Guardiola nổi tiếng với sự chủ động trong lối chơi và tốc độ luân chuyển bóng của họ cũng đủ làm chóng mặt bất kỳ đối thủ nào. 

Pep làm cho đối thủ của ông luôn phải di chuyển vất vả để theo kịp trái bóng và chỉ 1 tình huống lỡ nhịp thôi, những tình huống chuyền qua lại sẽ được triển khai thành cơ hội tấn công nguy hiểm. Mùa giải đầu tiên Pep đến ManCity, trung bình cứ 3.2 giây họ lại tạo ra một đường chuyền.

Tốc độ di chuyển, phản ứng, và tốc độ bóng chỉ là 3 yếu tố mà những đội chơi "tốc độ" nhất tận dụng để mang lại lợi thế cho mình. Suy cho cùng, không phải bạn cứ nhanh là sẽ chiến thắng. 

Nhìn vào Tottenham, thất bại của Ranieri tại Leicester ngay sau chức vô địch kỳ lạ của họ hay cách Conte bị sa thải dù đã thành công ngay ở mùa đầu tiên dẫn dắt Chelsea, chúng ta sẽ thấy chỉ nhanh thôi là chưa đủ. 

Nhưng không thể phủ nhận vai trò của tốc độ trong bóng đá nói chung hay ở Premier League nói riêng, tốc độ chính là yếu tố khiến Ngoại Hạng Anh khác biệt với phần còn lại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại