"Quà lớn" cho ông Trump, tin xấu cho Kiev
Tờ Politico (Mỹ) ngày 14/10 đưa tin, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán - một đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin - đang chuẩn bị tặng “món quà lớn” cho người bạn thân nhất của ông ở bên kia Đại Tây Dương, ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump bằng cách chặn thỏa thuận cuối cùng về khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine.
Theo tờ báo, ông Orbán đã nghĩ ra một cách để ông Trump, nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11 tới, có thể rút chân khỏi khoản vay trị giá 50 tỷ USD mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nhà lãnh đạo G7 cung cấp cho Ukraine để hỗ trợ cuộc chiến chống lại Nga.
Nước cờ của ông Orbán được dự đoán sẽ “giúp ông Trump thoát khỏi rắc rối, cho phép ông nói với cử tri Đảng Cộng hòa rằng: Nếu được bầu, tôi sẽ không đưa cho Ukraine một xu nào nữa!”.
Để đạt được mục tiêu đó, Hungary tuyên bố, cho tới khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra, nước này sẽ không chấp thuận việc thay đổi các quy tắc nhằm cho phép Washington đóng vai trò lớn trong khoản vay này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Strasbourg hôm 8/10, ông Orbán cho rằng, Ukraine không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga. Do đó, “cần phải có các cuộc đối thoại và một lệnh ngừng bắn để cứu mạng người”.
Theo ông Orbán, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump – nếu được bầu – sẽ không đợi tới khi nhậm chức, mà sẽ “bắt đầu làm việc ngay vì hòa bình ở Ukraine sau cuộc bầu cử ngày 5/11”. Vì thế, ông cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải có phản ứng tương thích với điều đó.
“Chúng tôi chỉ muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu thay đổi chiến lược của họ về Ukraine, vì chiến lược hiện tại không hiệu quả” – Ông Orbán nói.
Hãng tin Reuters (Anh) cho hay, ông Orbán từ lâu đã ủng hộ ông Trump. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, việc trao đổi – dù trực tiếp hay gián tiếp – đều cần thiết giữa các bên tham chiến. Vì thế, việc một bên thứ ba làm trung gian giữa hai phía là một phần thiết yếu của chính trị quốc tế.
Theo thỏa thuận ban đầu giữa 3 phía, khoản vay (cho Ukraine) sẽ được hoàn trả hoàn toàn bằng lợi nhuận thu được từ hơn 250 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Nga trên khắp lãnh thổ các nước phương Tây, sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2/2022.
Washington muốn EU gia hạn thời gian tái áp đặt trừng phạt đối với Moscow lên ít nhất 36 tháng để có thể yên tâm đóng góp khoảng 20 tỷ USD, tương đương với khoản đóng góp của EU. 10 tỷ USD còn lại sẽ do các thành viên G7 (gồm Canada, Anh và Nhật Bản cung cấp).
Theo các quy tắc hiện hành, lệnh trừng phạt của EU sẽ được gia hạn 6 tháng một lần, nhưng điều này làm tăng khả năng một quốc gia đơn lẻ tự ý giải phóng tài sản, buộc chính phủ các quốc gia khác phải sử dụng tiền thuế của người dân để trả nợ.
Các quan chức cho biết Washington không muốn lo lắng cứ 6 tháng một lần về việc liệu tài sản của Nga hỗ trợ cho khoản vay có bị "rã băng" hay không.
Trong khi các nhà lãnh đạo khác đều ủng hộ việc gia hạn thời gian tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên 36 tháng như yêu cầu của Mỹ thì ông Orbán lại từ chối. Theo quy định của EU, bất kỳ thay đổi nào đối với các quy tắc trừng phạt đều phải có sự chấp thuận từ tất cả 27 quốc gia thành viên.
Ukraine hiện đang rất cần nguồn tài trợ mới từ các đồng minh phương Tây để duy trì hoạt động của nhà nước và chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt trong bối cảnh Nga đang tăng cường nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Thế nhưng, với động thái của ông Orban, Mỹ có khả năng sẽ không còn tham gia đáng kể vào khoản vay cho Kiev.
“Cái giá nhỏ”
“Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này [bằng cách gia hạn thời gian tái áp đặt trừng phạt] thì EU — bao gồm cả Hungary — sẽ tốn nhiều tiền hơn” - một nhà ngoại giao EU nêu quan điểm.
Tuy nhiên, đối với ông Orbán, đó chỉ là một “cái giá nhỏ” phải trả. Mặt tích cực là ông sẽ có được thiện chí lớn từ cựu Tổng thống Mỹ.
“Hungary không quan tâm nếu châu Âu phải trả nhiều hơn. Động thái của họ nhằm giúp ông Trump” – Một nhà ngoại giao EU thứ hai nói với tờ Politico.
Nhằm ứng phó tìn hình, theo Euro News, vào ngày 9/10 - một ngày sau khi Hungary xác nhận sẽ chặn thay đổi quan trọng trong việc gia hạn thời gian tái áp đặt trừng phạt của EU đối với Nga, các thành viên còn lại trong EU đã bật đèn xanh cho một kế hoạch chưa từng có là cấp khoản vay 35 tỷ euro (khoảng 37,6 tỷ USD) trong 50 tỷ USD này cho Kiev càng sớm càng tốt. Brussels hy vọng có thể bắt đầu giải ngân vào đầu năm tới.
Trong trường hợp Brussels và Washington cùng nhau bảo lãnh khoản vay 35 tỷ euro thì ông Trump – nếu tái đắc cử Tổng thống Mỹ - sẽ phải ứng phó với nghĩa vụ trả nợ của Ukraine trong nhiều năm. Song, nếu khoản vay vẫn được chấp thuận mà không có sự tham gia của Mỹ thì ông Trump sẽ không cần thực hiện nghĩa vụ này.
Politico nhận định, việc ông Orbán chặn khoản vay dành cho Ukraine là ví dụ mới nhất cho thấy sự liên kết giữa cựu Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Hungary. Họ đã gặp nhau gần đây nhất vào tháng 7 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump.
Phát biểu trước các nhà báo ở Brussels, Thủ tướng Orbán cho biết ông sẽ “khui vài chai sâm panh” nếu ông Trump thắng bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Cả ông Trump và ông Orbán dường như đều có quan điểm tương tự về vấn đề Ukraine.
Lập trường cứng rắn của ông Orbán
Điều tưởng chừng như chỉ là một tranh cãi về quy tắc lại là một cân nhắc quan trọng đối với Washington — và có thể đủ để phá vỡ sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương về vấn đề hỗ trợ Ukraine, ít nhất là trên mặt trận tài chính.
Một nhà ngoại giao EU và một quan chức Ủy ban châu Âu cho biết, khi Thủ tướng Orbán đe dọa sử dụng quyền phủ quyết của mình ở Brussels, Mỹ đã báo hiệu rằng họ đang xem xét việc tham gia vào khoản vay ngay cả khi EU không thể gia hạn thêm thời gian tái áp đặt trừng phạt, mặc dù với số tiền thấp hơn đáng kể.
Một trong những lựa chọn là Washington đóng góp 5 tỷ USD, tương đương với số tài sản của Nga mà họ nắm giữ trong nước — và vẫn để châu Âu gánh phần lớn hóa đơn.
Quan chức Ủy ban châu Âu cho rằng Mỹ không muốn đến “tay không” tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 ở Washington vào cuối tháng 10 tới. Cuộc họp này có khả năng sẽ quyết định chi tiết về khoản vay 50 tỷ USD.
Đáng lưu ý, Nhật Bản gần đây đã báo hiệu rằng họ có thể rút khỏi khoản vay nếu Mỹ không tham gia.
Hiện mọi ánh mắt đều đổ dồn vào hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels trong tuần này.
EU đang nỗ lực hoàn thiện nhanh chóng các quy định pháp luật để có thể cung cấp lên đến 35 tỷ euro cho Ukraine. Số tiền này bao gồm cả phần khoản vay mà Mỹ sẽ đóng góp. Dự kiến rằng quá trình này sẽ hoàn tất vào cuối tháng 10.
Thế nhưng, các chính phủ với tiêu chí tiết kiệm trong EU không muốn phải tăng mức đóng góp để bù đắp cho sự thiếu hụt từ Mỹ.
“Chúng tôi đang gây áp lực, nhưng cho đến nay ông Orbán vẫn không nhượng bộ” - một nhà ngoại giao EU cho biết.