Biến tướng "chữa lành"
Gõ từ khóa tìm kiếm " podcast chữa lành " trên nền tảng mạng xã hội TikTok có thể cho ra hàng trăm, hàng nghìn kết quả. Điều đáng nói, phần lớn video lọt tốp tìm kiếm lại không mang lại năng lượng tích cực, cổ vũ tinh thần mà lại biến tướng theo hướng tiêu cực hoặc có nội dung không lành mạnh, văn minh.
Một số video chỉ kéo dài 30 giây đến 1 phút nhưng nhà sáng tạo nội dung lại văng tục, chửi bậy không ngớt: “Nếu bạn nói rằng cuộc đời như…, nếu bạn đã cố mà cuộc đời vẫn như…”, “Chào bạn, ngày hôm nay của bạn có vui không? Còn mình hôm nay như con...”, “Hôm nay mình sẽ ngồi chia sẻ cho mọi người về câu chuyện làm thế nào để chúng ta nói đạo lý mà không sống như…”. Những nội dung độc hại liên tục được chia sẻ, lan truyền mạnh mẽ trên TikTok. Thậm chí, chúng nhanh chóng trở thành xu hướng, nhận được sự hưởng ứng lớn từ người xem, đặc biệt là các khán giả trẻ.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam khẳng định, những video chữa lành trên mạng xã hội chỉ là sản phẩm “dán mác” mà không có hiệu quả đích thực đối với người gặp tổn thương tâm lý. Với những người cần được can thiệp, việc chữa lành phải là một quá trình dài hơi.
“Chữa lành không thể chỉ bằng cách sử dụng một vài câu nói hay nghe một vài podcast, xem một vài video là được. Chữa lành là một quá trình lâu dài bởi nó liên quan đến sự tổn thương sâu sắc của con người, đòi hỏi lộ trình, có sự can thiệp nhất định về tâm lý, lối sống mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề”, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà khẳng định.
Nhận thức sai lệch về bệnh tâm lý
Khi trào lưu “chữa lành”, nhà trị liệu tâm lý xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, công chúng sẽ hiểu tâm lý là ngành nghề đơn giản, ai cũng làm được và thành công. Điều này dẫn đến nhận thức sai lầm. “Phải là người hiểu biết, nắm rõ nội tâm, vấn đề mà người tổn thương tâm lý gặp phải chuyên gia mới sử dụng các phương pháp, kỹ thuật và sự hiểu biết về tâm lý để giải quyết vấn đề. Đây không phải quá trình đơn giản mà ai cũng có thể làm được hoặc làm được qua một vài video, clip. Những người tổn thương tâm lý cần có sự đồng hành của các chuyên gia”, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà.
TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam) khẳng định, không chỉ podcast mà bất kỳ nội dung nào có tính độc hại trên mạng xã hội đều gây ảnh hưởng đến giới trẻ- những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. “Podcast độc hại có rất nhiều dạng. Những podcast văng tục, chửi bậy là một cách để giới trẻ giải tỏa cảm xúc và đôi khi điều này phù hợp với giới trẻ, cho rằng phải như vậy mới là theo đúng xu hướng. Một số podcast độc hại khác lại đưa người nghe, người xem vào trạng thái cảm xúc tiêu cực”, TS Nguyễn Tuấn Anh nêu.
Có thể nói, giới trẻ ngày nay có lối sống, suy nghĩ khác xa với các thế hệ trước. Họ coi việc văng bậy là bình thường. Tuy nhiên, chuyên gia Thu Hà cho rằng, ngôn ngữ được sử dụng trong các podcast không phù hợp để dùng cho các sản phẩm truyền thông, đặc biệt là những video dán mác “chữa lành”.
“Nói bậy hoặc sử dụng ngôn ngữ không văn hóa trong các sản phẩm truyền thông hoàn toàn không tốt. Điều này dần dẫn dắt công chúng, khán giả đến lối sống, suy nghĩ rằng như vậy là bình thường. Có lẽ các sản phẩm có các từ bậy tục phần nào sẽ thu hút hơn, nhưng chúng ta vẫn cần những nội dung tử tế với ngôn từ đúng chuẩn. Tôi không biết mọi người chữa lành thế nào nếu ai cũng sử dụng những ngôn ngữ không văn hóa thường xuyên như thế”, chuyên gia tâm lý Thu Hà nêu.
Không coi chữa lành là trò đùa
Quá trình chữa lành là điều cần thiết cho cuộc sống tinh thần của mỗi cá nhân, cần được nhìn nhận đúng đắn. Chữa lành không phải một xu hướng để giới trẻ theo đuổi, hết “hot” rồi không quan tâm nữa. Đây thực sự là vấn đề của tâm lý liên quan đến những tổn thương, mối quan hệ, con người. “Tôi không mong những vấn đề quan trọng về tâm lý con người lại được nhìn nhận một cách đơn giản như một xu hướng”, chuyên gia tâm lý Thu Hà nói.
Vì vậy, khi người xem không đủ bản lĩnh để nhận định đâu là những nội dung độc hại, hiển nhiên họ sẽ bị cuốn theo những nội dung tiêu cực, để rồi mong muốn chữa lành không được mà còn trở nên tệ hơn, mệt mỏi hơn. Thực tế, nhiều người khi nghe, xem các podcast chữa lành này cũng thấy nội dung đó độc hại nhưng họ chọn làm lơ.
“Nhiều người không ý thức được những nội dung độc hại đang ảnh hưởng từ từ đến bản thân. Thời gian giải trí là lúc chúng ta để cho tâm hồn thư thái nhất, đây cũng là lúc chúng ta phần lớn không sử dụng bộ óc lí trí để chọn lọc, thưởng thức sản phẩm. Vì vậy, câu chuyện giải trí hay không giải trí phải do chính người xem, người nghe tự đặt ra và luôn sẵn sàng tâm thế chọn lọc sản phẩm tốt hay độc hại”, TS Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nhiều nhà sáng tạo nội dung đang lạm dụng từ “chữa lành” để bao biện, lấp liếm cho những nội dung được truyền tải trên mạng xã hội. Hiểu một cách đơn giản “chữa lành” mà mọi người nhắc tới chỉ sự tìm kiếm cảm xúc tích cực, dành cho bản thân khoảng thời gian chất lượng để tái sản xuất sức lao động, làm cho tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái hơn. Đây cũng là khoảng thời gian để chúng ta tĩnh tâm, chiêm nghiệm về bản thân.
“Những điều đúng, sai, tích cực, tiêu cực lẫn lộn trong đời sống, nhiều người bị cuốn theo xu hướng, giá trị ảo trên mạng khiến bản thân họ cũng không hiểu bản chất chữa lành là gì. Vì lý do này mà đôi khi người sáng tạo nội dung về chữa lành khiến mọi người nghĩ rằng chữa lành chỉ như một trò đùa, lời nói đầu môi và làm mất giá trị mục đích sâu xa của việc chữa lành”, TS Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận.