Cô Noor Tagouri, một phóng viên của kênh Newsy, đã xuất hiện trên tờ tạp chí nổi tiếng dành cho đàn ông trong chùm bài về những người dám thay đổi để đạt được thành công trong lĩnh vực của họ.
Mong ước của Tagour là trở thành người phụ nữ đầu tiên trùm khăn hijab xuất hiện trên truyền hình và có dấu ấn đối với chương trình trò chuyện mà cô tham gia cũng như chiến dịch khuyến khích phụ nữ thể hiện cá tính của mình.
"Tôi đã thành công trong việc khích lệ thay đổi khi tất cả các cô gái nhận ra rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không phải hy sinh bản thân," Togouri chia sẻ.
"Tôi có thể ăn mặc hơi khác - tôi là một phóng viên và đội khăn trùm đầu, nhưng là một người dẫn chuyện, một phát thanh viên, một doanh nhân và tôi không hối tiếc vì đã mở nhiều cánh cửa cho hàng nghìn người," cô nói.
Trước đó gần 1 tuần, trang bìa tạp chí Women’s Running số tháng 10 cũng đăng ảnh Rahaf Khatib, một vận động viên marathon người Hồi giáo đội 1 chiếc khăn trùm đầu.
Trong khi trang bìa số tạp chí về Rahaf Khatib nhận được nhiều lời tán thưởng thì Tagouri lại phải nhận nhiều lời chỉ trích, chê bai khi quyết định xuất hiện trên tạp chí Playboy, vốn vẫn bị coi như tạp chí khiêu dâm dành cho đàn ông.
Rất nhiều người chỉ trích tờ tạp chí vì đăng ảnh một phụ nữ Hồi giáo. Tuy nhiên, tạp chí này không lên tiếng sau sự việc.
Hồi năm 2015, tờ tạp chí này từng gây bất ngờ khi quyết định sẽ dừng việc đăng ảnh phụ nữ khỏa thân.
"Sự xuất hiện của một người phụ nữ đội khăn trùm đầu trên tờ tạp chí vốn nổi tiếng với những hình ảnh mát mẻ quả thực đã gây chấn động và có lý do để tin rằng tạp chí Playboy cố tình làm vậy," Asma T. Uddin, tổng biên tập của trang web dành cho phụ nữ Hồi giáo altmuslimah.com nhận xét.
Noor Tagouri.
Nhà báo tự do Inas Younis phê phán sự xuất hiện của một phụ nữ đội khăn trùm đầu trên Playboy và cho rằng điều đó không phù hợp khi tôn chỉ của tờ tạp chí là đề cao vấn đề bản năng sinh dục và lên án sự khiêm nhường cũng như trinh tiết.
Tuy nhiên, cũng nhiều người ủng hộ Tagouri khi cho rằng hình ảnh của cô trên tờ tạp chí trông rất mạnh mẽ và truyền cảm hứng.
Những người ủng hộ Tagouri cũng nhắc lại câu chuyện của hai người Hồi giáo, Malcolm X và Muhammad Ali, từng bị chỉ trích rất nhiều vì trả lời phỏng vấn của tạp chí Playboy vào năm 1968 và 1975.
Một người có tên là Aymann Ismail viết trên trang Slate: "Phê phán vai trò của tạp chí Playboy dường như là đạo đức giả khi tranh cãi về việc một phụ nữ Hồi giáo xuất hiện trên tạp chí, khi mà cô ấy chỉ chia sẻ về công việc của mình."
Tagouri không đáp lại những lời bình luận ác ý và cô nói rằng cô không để ý đến những lời chỉ trích bởi vì cô đã lường trước điều đó.
"Tôi không đọc hay chú ý tới bất kỳ lời chỉ trích nào. Tôi tự nhủ là cứ làm công việc mình tin tưởng và phớt lờ các "anh hùng bàn phím"./.